Gỡ khó với tổ hợp môn học tự chọn

Nguyễn Dịu | 17/04/2022, 10:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bắt nhịp vào Chương trình GDPT 2018 với nhiều đổi mới ở một số môn học tự chọn khiến các trường THPT gặp không ít khó khăn.

Chủ động bắt nhịp với chương trình mới, nhưng theo thầy Ngọc, quá trình dạy học sẽ có nhiều khó khăn mà đòi hỏi các trường phải linh hoạt, gỡ khó từng phần dựa trên điều kiện thực tiễn.

Cụ thể, ngoài 7 môn học bắt buộc, học sinh được chọn 5 môn khác từ ba nhóm liên môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn). Đây là điểm mới hoàn toàn so với trước. Nếu để học sinh tự lựa chọn đăng ký học, sẽ có hơn 100 cách chọn 5 môn này và các nhà trường không thể đáp ứng được.

Do đó, bám theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT “Các trường có thể tự xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường”.

Với điều kiện nhân lực hiện nay, Trường THPT Lê Quý Đôn dự kiến sẽ tư vấn, định hướng học sinh chọn nhóm môn Khoa học tự nhiên hoặc nhóm môn Khoa học xã hội làm nòng cốt, vì đây là 2 nhóm truyền thống ổn định từ trước đến nay của các nhà trường. 2 môn thuộc 2 nhóm môn còn lại sẽ được nhà trường sắp xếp phù hợp với điều kiện đội ngũ của trường. Theo thầy Ngọc, với định hướng này, trước mắt có thể sẽ không làm xáo trộn việc phân công chuyên môn của các nhà trường.

Với môn Nghệ thuật không riêng gì Lê Quý Đôn mà hầu hết các trường THPT đều chưa có giáo viên giảng dạy. Do vậy, những năm đầu tiên của chương trình, quá trình tư vấn tuyển sinh và thực hiện việc khảo sát nguyện vọng của học sinh, trường từng bước đưa môn học này vào dạy.

Tuy nhiên, ngoài điều kiện cơ sở vật chất, khó khăn lớn nhất đối với trường là giáo viên giảng dạy bộ môn này các trường THPT chưa có. Trong lúc chờ tuyển dụng, để giải quyết bài toán nhân lực, trước mắt trường tính hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên ở các trường THCS trên địa bàn hoặc với trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật của thành phố.

Tương tự như Lê Quý Đôn, Trường THPT Hồng Bàng (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) có nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình mới. Thầy Phạm Hoàng Hưng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, khó khăn lớn nhất với nhà trường là cơ sở vật chất, do trường đã xuống cấp, thiếu phòng học và tháng 6 lại đập đi xây lại từng dãy phòng học.

Để chủ động triển khai tư vấn, định hướng học sinh chọn các môn liên môn nhà trường đã xây dựng 9 mẫu lựa chọn bộ môn dựa vào điều kiện thực tế của trường để báo cáo Sở GD&ĐT. Trường bố trí các môn học đảm bảo đan xen với một số môn học năng khiếu để học sinh vừa học, vừa giải trí.

Theo kế hoạch dự kiến, Trường THPT Lê Hồng Phong (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) sẽ đưa ra phương án cụ thể với các bộ môn tự chọn nhằm định hướng học sinh lựa chọn. Các phương án được lựa chọn dựa trên cơ sở điều kiện CSVC, đội ngũ giáo viên và định hướng giáo dục của nhà trường.

Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch dạy học tự chọn, các trường ở Hải Phòng chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn để học sinh, phụ huynh có lựa chọn phân ban tương đồng với lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Thầy Đinh Hồng Tiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong cho biết: Chương trình mới gắn liền với hướng nghiệp, vì vậy nhà trường sẽ định hướng kĩ cho học sinh, phụ huynh. Khi hiểu rõ, nắm chắc định hướng ngành nghề, các em sẽ có lựa chọn phân ban tương ứng.

Trường dự kiến đưa ra 2 phương án để học sinh, phụ huynh lựa chọn căn cứ vào CSVC, đội ngũ giáo viên và định hướng phát triển của trường.

Dự kiến, Trường THPT Lê Hồng Phong sẽ đưa môn Âm nhạc vào giảng dạy. Vì thế, bên cạnh 5 môn chính và tổ hợp bắt buộc thuộc nhóm tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh) hoặc xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và pháp luật) học sinh của trường sẽ học thêm môn Âm nhạc. Đối với môn Tin học, nhà trường sẽ tích hợp vào hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Để giảng dạy môn Âm nhạc hiệu quả, nhà trường có ý tưởng thành lập các ban nhạc và hợp đồng với một thầy dạy Âm nhạc để tạo nền tảng cho chương trình mới. Trường đã lắp đặt hệ thống mang LAN kết nối các phòng học, trường hợp thiếu giáo viên với môn Âm nhạc sẽ tổ chức dạy học trực tuyến.

Điều mà các nhà trường đang băn khoăn là việc mời giáo viên từ các cơ sở khác đến giảng dạy hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Các trường không biết sẽ hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng tại các trường ra sao? Nguồn kinh phí được lấy từ đâu? Mức trả kinh phí như thế nào cho phù hợp? Bên cạnh đó, các nhà trường mong muốn được Bộ GD&ĐT thông báo kế hoạch thi tốt nghiệp của học sinh khóa 2022 - 2025 để các trường có định hướng cho học sinh khối 10 khi học Chương trình mới vào năm học 2022 - 2023.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/go-kho-voi-to-hop-mon-hoc-tu-chon-RzOWnuU7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/go-kho-voi-to-hop-mon-hoc-tu-chon-RzOWnuU7R.html
Bài liên quan
100% học sinh dân tộc đều có kết quả tốt hơn khi học Sách giáo khoa Cánh Diều
(GDTĐ) - Tại trường tiểu học Kim Sơn, qua sơ kết hai học kỳ, thật bất ngờ khi 100% học sinh dân tộc đều có kết quả học tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ khó với tổ hợp môn học tự chọn