“Cuộc đời học tập của tôi phải học nhiều nơi, phải chuyển trường theo gia đình nhưng ký ức về thầy cô luôn là kỷ niệm đẹp, mỗi lứa tuổi học trò đều có trải nghiệm khác nhau. Dù trưởng thành, đi học, làm việc ở nước ngoài nhưng đến ngày Nhà giáo Việt Nam trong lòng tôi luôn cảm thấy bồi hồi vì những ký ức đẹp thời học sinh không thể nào quên”, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Đem hết tri thức để đóng góp cho đất nước
GS Võ Tòng Xuân kể, từ nhỏ ông lên Sài Gòn tự lập để phụ cha mẹ nuôi các em và để có tiền đi học. Bản thân từng trải qua một thời bán báo dạo dọc các bến xe, đêm đi dạy kèm cho học sinh luyện thi. Đến khi học thành tài, ông luôn tâm niệm: “Tôi xác định mục đích sống cho đời mình là phải đem hết tri thức để đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở thành những người chủ giàu có”. Chính vì mục đích đó mà ông đã quyết định quay về Việt Nam ngay sau khi trình luận án Tiến sĩ nông học ở Nhật Bản, hôm đó chỉ cách 30/4/1975 có 28 ngày.
Mười năm đầu sau ngày hòa bình, hoạt động khoa học của GS Võ Tòng Xuân với vai trò là Hiệu phó Đại học Cần Thơ gắn liền với sự phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng châu thổ, đặc biệt là phát triển nông thôn, thực hiện mục tiêu đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất. Vừa làm khoa học, GS Võ Tòng Xuân vừa dành tâm huyết cho Giáo dục, tâm huyết xây dựng Đại học Cần Thơ rồi đến Đại học An Giang. Ông còn được mời tham gia thành lập Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Tân Tạo, Đại học Nam Cần Thơ…
GS Võ Tòng Xuân chia sẻ, hưu về chức vụ, nhưng chuyên môn đâu có nghỉ hưu. Còn sáng suốt và khỏe mạnh thì còn đóng góp được cả ở trong và ngoài nước. Nhiệm vụ tư vấn khoa học vẫn tiếp tục, vì người ta không giới hạn tuổi tác… Với tâm huyết đó, dù tuổi đã “bát tuần” nhưng ông vẫn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
“Tôi phải học rất căn bản và không ngừng tự cập nhật kiến thức. Tôi truyền đạt cho những cộng sự của tôi, không giấu ai kỹ thuật gì. Khi kiến thức mở mang, mình có thể thấy trước những gì mà người thường chưa thấy. Dĩ nhiên đừng bảo thủ, mà trái lại, luôn có sáng kiến mới, rồi truyền đạt nội dung, phương pháp thực hiện. Quan trọng là cần phải được đào tạo căn bản, sâu và rộng để thấy được cái mới. Không có sáng kiến mới thì không thể cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu...” - GS Võ Tòng Xuân nói.
Ở tuổi 81, lịch làm việc của GS Võ Tòng Xuân vẫn luôn dày đặc với vai trò quản lý một trường đại học, nghiên cứu, tư vấn nông nghiệp, tham gia các hội nghị, hội thảo… Ông chia sẻ: “Dù ở cương vị nào, tôi vẫn dốc toàn tâm, toàn lực chăm lo cho sự nghiệp trồng người, tạo nguồn nhân lực cho vùng sông nước cho đến khi nhắm mắt”.