Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu

Nhóm PV | 14/11/2021, 11:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 14/11, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, chúc mừng các cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc ngành Giáo dục năm 2021 nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam.

Buổi tiếp kiến là sự kiện trong chuỗi các hoạt động đặc biệt chào mừng ngày Nhà giáo. Ảnh: Thế ĐạiBuổi tiếp kiến là sự kiện trong chuỗi các hoạt động đặc biệt chào mừng ngày Nhà giáo. Ảnh: Thế Đại

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Trương Hải Long và Lê Tấn Dũng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

50 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu ngành Giáo dục; đại diện cho các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, các cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu được tuyên dương năm nay. Cùng dự còn có 10 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các thầy giáo, cô giáo có mặt tại đây hôm nay là đại diện tiêu biểu của hơn 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, dành thời gian gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, là vinh dự, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, say mê học hỏi, đổi mới, sáng tạo để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ “trồng người” cao quý; nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của ngành.

Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng lớn mạnh, chất lượng không ngừng được nâng cao. Hầu hết cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề; luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo.

Đội ngũ giáo viên với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đã tích cực, chủ động, tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới sáng tạo trong dạy học, góp phần quan trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.

Theo Bộ trưởng, gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội; trong đó giáo dục đào tạo là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi nhiều; nhiều hoạt động giáo dục không thể thực hiện đúng kế hoạch. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên không được tới trường trong một khoảng thời gian rất dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động viên toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với học sinh để cùng nhau đoàn kết, ứng phó với dịch bệnh; tất cả vì học sinh thân yêu.

Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo chỉ đạo các bộ ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành Giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đội ngũ giáo viên nói riêng, về lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung đúng theo tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa cho thành công, là tương lai của đất nước.

Báo cáo tại buổi tiếp kiến Thủ tướng, cô Hà Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Hòa Bình vui mừng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, thầy và trò ngành Giáo dục - Đào tạo Hòa Bình tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp. Trong điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh Hòa Bình còn nhiều khó khăn thì được đến trường dạy học trực tiếp thực sự là hạnh phúc với thầy và trò.

Để có được niềm hạnh phúc đó là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị địa phương đã thực hiện tốt sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19.

“Chúng tôi cũng xin dành tình cảm, sự chia sẻ chân thành nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh ở các địa phương vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp mà chưa thể đến trường. Chúng tôi cảm nhận được đầy đủ sự mất mát to lớn, sự xáo trộn nặng nề mà dịch bệnh Covid-19 đã gây ra cho biết bao gia đình và nhất là với các em nhỏ.

Hôm nay, được về với Thủ đô ngàn năm văn hiến, được đón nhận sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ là niềm vui, niềm tự hào, là dấu ấn tốt đẹp trong cuộc đời nhà giáo của tôi cũng như các thầy giáo, cô giáo đang hiện diện tại đây” - cô Hà Ngọc Lan bày tỏ.

Cô Lê Thị Xuân Diễm, Trường THPT Lê Quý Đôn, Bến Tre thì chia sẻ: Được tham dự các hoạt động “tri ân thầy cô” hôm nay, tôi hiểu được rằng: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, luôn đặt niềm tin và kỳ vọng lớn vào Chương trình giáo dục phổ thông mới”. Chúng ta có quyền hy vọng rằng với sự nỗ lực, đồng thuận của các cấp, sự chỉ đạo kịp thời của ngành sẽ là nền tảng của sự thay đổi thành công.

Cô Diễm cho biết, mình đã gắn bó với nghề được 21 năm - thời gian đủ dài để khẳng định mình đã lựa chọn đúng nghề. Càng đứng trên bục giảng càng thấm thía hơn nghiệp làm thầy, theo cô Diễm, xã hội càng phát triển đòi hỏi người thầy cũng phải đổi mới không ngừng.

Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” vì thế hãy cùng nhau cố gắng và phải càng cố gắng nhiều hơn nữa trong giai đoạn hiện nay. Hãy lấy trách nhiệm và cái tâm của người thầy để cùng phấn đấu. Chỉ có chất lượng, hiệu quả giáo dục mới khẳng định được vị thế của ngành Giáo dục.

Bày tỏ xúc động và biết ơn những nghĩa cử, những ân tình, sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, các bậc cha mẹ học sinh và toàn xã hội; thầy Lê Văn Giáo - giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Xương, Thanh Hóa) chia sẻ: “Dạy học là nghề tôi lựa chọn, cũng là nghề tôi đam mê”.

Thầy Lê Văn Giáo chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo", thầy Giáo trải lòng: là thầy giáo vinh dự đã lớn nhưng trọng trách lại càng nặng nề, tính chuẩn mực, mô phạm đòi hỏi càng cao. Người thầy giáo phải là "Tấm gương cho học sinh noi theo".

“Tự hào và yêu nghề bao nhiêu, tôi càng trân quý những người thầy, người cô đi trước với những đóng góp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp Giáo dục; trân quý tình cảm yêu mến, sự tin tưởng mà xã hội dành cho chúng tôi” – thầy Giáo nói.

Sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn, cô Nguyễn Thị Dung đã có 9 năm công tác tại Trường mầm non xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn với gần 100 trẻ 100% là người dân tộc thiểu số. Rất nhiều trẻ tại đây có hoàn cảnh khó khăn, có cháu không đủ điều kiện để đi học, lớp học cách nhà hàng chục km đường rừng.

Cô Nguyễn Thị Dung khẳng định những khó khăn không bao giờ có thể làm nản chí các thầy cô giáo và các học trò của mình.

Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Dung cho biết, các thầy cô giáo đã kiên trì vận động từng gia đình; kiên trì bám bản để trẻ có thể được học những con chữ; mặc dù lớp học trên đỉnh đồi, xe máy không đi được phải trèo đèo, lội suối để đến trường.

Nhiều trò bữa cơm có thịt là cả niềm mơ ước; mỗi ngày đi học là một ngày mang cơm độn ngô, khoai, hay có khi chỉ vài hạt cơm với vài sợi mì tôm chan nước… Lúc đó không ai bảo ai, các cô giáo lại góp tiền, góp công để các con có bữa cơm tươm tất…

Chia sẻ tại buổi tiếp kiến Thủ tướng, trăn trở trước nhiều hoàn cảnh học sinh khó khăn, nhưng cô Dung khẳng định, những khó khăn đó không bao giờ có thể làm nản chí các thầy cô giáo và các học trò của mình.

“Bản thân tôi cảm thấy may mắn hơn những bạn đồng nghiệp rất nhiều vì được dạy ở một ngôi trường tuy khó khăn vất vả, thiếu thốn về cơ ở vật chất, điều kiện kinh tế nhưng chưa phải là vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Tôi càng thêm kính trọng những người bạn, người đồng nghiệp cả cuộc đời vì học trò thân yêu, và luôn lấy những tấm gương sáng đó dể noi theo và học tập” - cô Nguyễn Thị Dung trải lòng.

Cô Nguyễn Thị Duyên – giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh), chia sẻ, giáo dục miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng gặp nhiều khó khăn. Thiên tai, bão lũ đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Duyên khẳng định, nguyện bám trường, bám lớp, đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

“Tuy nhiên, thầy – trò chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự chung tay của cả nước, nên đã quyết tâm khắc phục khó khăn, vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ dạy – học” – cô Duyên bộc bày tỏ, đồng thời khẳng định, nguyện bám trường, bám lớp, đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

“Tâm nguyện của chúng tôi là học sinh được phát triển toàn diện, cả về thể chất, kỹ năng và tri thức” – cô Duyên trải lòng, đồng thời chia sẻ: giai đoạn THPT là thời gian “vàng” của học sinh, để các em chuẩn bị bước vào cánh cửa tương lai. Vì thế, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng học trò của mình, để các em tự tin mở cánh cửa tương lai của mình.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thầy Nguyễn Viết Lâm - Giảng viên cao cấp Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) – bộc bạch: “Danh hiệu mà chúng tôi được trao tặng hôm nay rất cao cao quý. Đây là phần thưởng hết sức ý nghĩa, và cũng là kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong cuộc đời làm nghề giáo của mỗi người chúng tôi”.

Thầy Nguyễn Viết Lâm phát biểu.

Với thầy Lâm, đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào, mà còn là trách nhiệm lớn lao và nguyện sẽ mãi mãi làm rạng danh danh hiệu cao quý đã được Chủ tịch nước nước và Bộ GD&ĐT trao tặng. Đồng thời tiếp tục làm việc và cống hiến bằng cả tài và đức của mình cho sự nghiệp “trồng người”. Qua đó, góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 NQ/TW của Đảng.

Gần 20 năm “cắm bản”, cô giáo Lê Thị Hạnh – Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Loi (Kỳ Sơn, Nghệ An) chia sẻ, những năm gần đây, nơi cô dạy học thường xảy ra thiên tai bão lũ nên ảnh hưởng nhiều đến dạy – học của thầy – trò.

Nơi cô công tác còn chưa đủ điện lưới, thiếu trang thiết bị dạy – học. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô và các đồng nghiệp đã phải đến từng thôn bản, đến từng nhà học sinh để giao bài và hỗ trợ các em học tập, quyết tâm không để học trò bị gián đoạn việc học.

Dù khó khăn đến mấy, nhưng chúng tôi quyết bám bản, bám trường. Nguyện đem con chữ đến với con em dân bản và cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” – cô Hạnh bày tỏ quyết tâm.

Chia sẻ về những khó khăn trong dạy học và giáo dục đối trẻ khuyết tật trong bối cảnh Covid-19, cô Cao Thị Tiếng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang – chia sẻ: Với học sinh bình thường, có thể tổ chức dạy – học trực tuyến cho các em. Nhưng với trẻ khuyết tật, thì giáo viên của Trung tâm phải dạy – học trực tuyến cho phụ huynh để bố, mẹ có kỹ năng giáo dục, hướng dẫn các em.

 Cô Cao Thị Tiếng mong các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể và xã hội cùng chung tay hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

Ngoài ra, khi cần giáo viên có thể gọi điện trực tiếp cho phụ huynh để hướng dẫn. Hoặc phụ huynh quay video những hoạt động hướng dẫn con em mình ở nhà, sau đó gửi cho giáo viên góp ý.

Theo cô Tiếng, với trẻ khuyết tật, gần như mỗi em là một giáo án khác nhau. Các em đều có những năng lực riêng và có thể học được, hoà nhập. “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng phụ huynh trong giáo dục các em.  Mong rằng, các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể và xã hội cùng chung tay hỗ trợ trẻ em khuyết tật, giang tay đón nhận các em” – cô Tiếng bày tỏ.

Một nữ nhà giáo tiêu biểu đến từ Quảng Trị bày tỏ nỗi niềm xúc động trước sự quan tâm, đồng hành của đồng bào cả nước đối với giáo dục miền Trung nói chung, Quảng Trị nói riêng – nơi thường xuyên phải hứng những đợt mưa lũ nặng nề. Cô giáo cho biết, nơi mình công tác vùng ven sông, bán sơn địa, nên lũ thường về bất chợt. Nhiều học sinh lũ về trong đêm, không kịp phòng tránh nên bị trôi hết sách vở, quần áo. Mỗi khi nhận được tin nhắn của các em xin nghỉ học vì không còn áo quần để mặc đến trường cảm thấy vô cùng xót xa…

“Trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi vô cùng xúc động khi nhìn những đoàn xe mang dòng chữ “Hướng về miền Trung thân yêu”, không chỉ hỗ trợ những vật dụng thiết yếu, sách vở mà còn là tình người, là giá trị nhân văn. Chúng tôi tự nhủ lòng và luôn nhắc nhở học trò của mình cần phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với tình cảm yêu quý của đồng bào cả nước” – cô giáo này chia sẻ.

Buổi gặp mặt là sự kiện trong chuỗi các hoạt động đặc biệt chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức.

Cùng với những phát biểu, chia sẻ nhằm tri ân, tôn vinh, chia sẻ, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho đội ngũ nhà giáo Việt Nam, nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng trao món quà ý nghĩa tới các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu.

Sau buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, 7 Nhà giáo nhân dân, 72 Nhà giáo ưu tú thuộc các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng 191 nhà giáo tiêu biểu năm 2021 được bình chọn từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và các đại học, trường đại học, cao đẳng sư phạm trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham dự Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021.

Tối cùng ngày, tại Đài truyền hình Việt Nam, các thầy cô sẽ tham dự chương trình truyền hình trực tiếp “Thay lời tri ân” năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Có lẽ chưa khi nào ngành Giáo dục và Đào tạo lại trải qua một năm học nhiều dấu ấn đặc biệt như năm học 2020 - 2021. Cùng với cả nước, toàn ngành phải “căng mình” ứng phó với những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19.

Nhiều chương trình, kế hoạch, nhiều hoạt động phải thay đổi; nhiều hình thức dạy học mới xuất hiện và có những thời điểm trở thành hình thức dạy và học chủ yếu.

Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, với sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh sinh viên trên cả nước, ngành Giáo dục vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Bài liên quan
“Chia sẻ cùng thầy cô” 2021 tôn vinh nhà giáo nỗ lực dạy học trong khó khăn
Năm 2021, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” sẽ tuyên dương các giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu