Thời sự

Hà Nội: Hàng trăm giáo viên mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ sau đại học

Nhã Phong 18/03/2024 16:08

(GDTĐ) - Hàng trăm giáo viên tại Hà Nội đang trải qua những ngày mòn mỏi, chờ đợi tiền trợ cấp sau đại học.

Tốt nghiệp từ năm 2021 nhưng đến nay hàng trăm giáo viên tại Hà Nội vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ kinh phí sau đại học

Mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ kinh phí sau đại học

Với mong muốn nâng cao trình độ chuyên môn và cơ hội nghề nghiệp, nhiều giáo viên tại Hà Nội đã quyết định tham gia chương trình đào tạo sau đại học. Tuy nhiên việc nhận được tiền trợ cấp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đã gặp nhiều khó khăn

Cô giáo T.T.T.N, là giáo viên một trường THPT tại Hà Nội nằm trong trường hợp này cho biết, do nhu cầu học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ cho công tác giảng dạy, truyền tải kiến thức cho các em học sinh, năm 2017 cô cùng nhiều cô giáo khác có tham dự chương trình đào tạo sau đại học ở các trường như: Đại học Giáo Dục - ĐH Quốc Gia Hà Nội, Đại học Sư phạm 1, Đại học Sư phạm 2... Bản thân cô giáo T.T.T.N đã học thạc sỹ tại trường ĐHKHXH và NV, trước khi dự thi cô có viết đơn trình bày nguyện vọng được đi học để nâng cao trình độ bản thân và đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy của mình, và đã được sự nhất trí của hiệu trưởng nhà trường.

Quyết định của UBTP Hà Nội về việc hỗ trợ kinh phí sau đại học từ tháng 01/2018 nhưng đến nay các thầy cô giáo được vẫn chưa nhận được

Trong thư cô giáo T.T.T.N nêu rõ: “Chúng tôi đã làm đơn xin đi học Cao học gửi về Sở GD&ĐT Hà Nội và được Sở GD&ĐT Hà Nội chấp thuận tại Quyết định số 3863/QĐ-SGDĐT ngày 10/7/2017... Ngày 28/6/2018 chúng tôi tiếp tục nhận được Quyết định số 3288/QĐ-UBND, 3289/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Sửu – Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký về việc cử đi đào tạo sau đại học trong nước. Trong quyết định có nêu rõ tôi được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học theo quy định của thành phố, và có trách nhiệm thực hiện các quy định, quy chế về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức.

Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ các quy định, quy chế về đào tạo đồng thời cũng đã nộp đầy đủ minh chứng gồm bản sao Bằng tốt nghiệp Thạc sĩ, luận văn tốt nghiệp và các giấy tờ liên quan về Sở GD&ĐT Hà Nội năm 2020.

Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học theo Quyết định Quyết định số 3288- 3289 /QĐ-UBND ngày 28/06/2018 của UBND thành phố Hà Nội”.

Nhiều giáo viên đã gửi đơn đề nghị về các cơ quan ban ngành để hỏi về sự chậm trễ kinh phí trợ cấp sau đại học nhưng các cơ quan chỉ trả lời vòng vo

Sớm sửa quy định

Sau khi nhận đơn phản ánh việc các cô giáo được cử đi đào tạo sau đại học theo Quyết định số 3863/QĐ-SGD&ĐT ngày 10/7/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 3288/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của UBND Thành phố, nhưng chưa được nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo, Sở Nội vụ đã có văn bản trả lời như sau:

Ngày 04/01/2021, UBND Thành phố có Văn bản số 16/UBND-NC giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp rà soát tính pháp lý của việc hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài đối với cán bộ, công chức, viên chức đang thực hiện theo quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-UBND của UBND Thành phố, sau khi rà soát, liên sở Tài chính - Nội vụ đã có báo cáo UBND Thành phố.

Việc hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học theo quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-UBND ngày 14/01/2014 của UBND Thành phố là chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Thủ đô, đã được HĐND Thành phố cụ thể hoá tại Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên một số nội dung của Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND trong đó có nội dung về chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học cần điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp, do đó việc chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức đã có quyết định cử đi đào tạo phải tạm dừng.

Luật Thủ đô trong đó có nội dung về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện. Sau khi Luật Thủ đô được ban hành, Nghị quyết về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao được xây dựng, Thành phố sẽ nghiên cứu tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Trong bối cảnh nêu trên, thiết nghĩ sự can thiệp kịp thời từ phía chính quyền địa phương là rất cần thiết, để giảm bớt gánh nặng tài chính đối với giáo viên, và đảm bảo rằng họ có điều kiện tốt nhất để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy một cách hiệu quả.

Mong sớm sửa đổi quy định để các thầy cô giáo không phải mòn mỏi chờ đợi tiền trợ cấp kinh phí sau đại học

Theo Thông tư 06/2023/TT-BTC sửa quy định về "Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng" (Điều 2) như sau:
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức đóng góp, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, kinh phí do đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn tài chính của đơn vị; từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trường hợp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nguồn kinh phí thực hiện theo các Chương trình, Đề án đó.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng khác áp dụng Thông tư này do cá nhân, nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan
Dự kiến nâng chuẩn đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

(7) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Hàng trăm giáo viên mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ sau đại học