TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.
Trường hợp cơ sở giáo dục đã được hưởng chính sách hỗ trợ, khi chuyển đổi chủ cơ sở sẽ không được xem xét hỗ trợ lần 2.
Trước đó, Hà Nội quyết định một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có cán bộ, giáo viên tư thục.
Cụ thể, đối tượng được TP Hà Nội hỗ trợ gồm cán bộ, người lao động làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và không thuộc đối tượng được quy định tại chương IV Quyết định 23/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 20/10 tại TPHCM, gần 100 hệ thống, trường mầm non tư thục ở đây cùng đứng đơn gửi kiến nghị lên Chính phủ về chính sách hỗ trợ đặc biệt vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Nội dung kiến nghị các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục mầm non trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Trong thư, các trường thông tin đến Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong ngành giáo dục mầm non đang trong bối cảnh vô cùng khó khăn do dịch bệnh gây ra. Đây là một trong những lĩnh vực đầu tiên ngưng hoạt động vì dịch bệnh nhưng đến nay vẫn chưa được hoạt động trở lại.
Vì vậy, các cơ sở giáo dục mầm non ở TPHCM xin được sớm hoạt động trở lại, giảm một số thuế phí, đồng thời có gói vay hỗ trợ.