Hà Nội nên cho học sinh đến trường trong tháng 10

PV | 21/10/2021, 07:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một số chuyên gia đánh giá với tình hình hiện tại, Hà Nội có thể sớm cho học sinh trở lại trường. Đây cũng là mong muốn của không ít phụ huynh.

“Các quán cắt tóc, gội đầu, quán ăn đã được mở cửa trở lại, mọi người tập trung đông đúc. Trong khi đó, giáo dục thiết yếu như vậy lại vẫn trong tình trạng đóng cửa trường, đặc biệt ở cấp mầm non”, chị Ngọc Thảo, một giáo viên có hai con ở Thạch Thất, nói trước tình trạng Hà Nội chưa cho học sinh đến trường.

Chị thừa nhận hiện tại, nếu cho con đến lớp, bản thân vẫn còn chút lo lắng. Song nữ giáo viên kiêm phụ huynh cho rằng không thể chờ đợi nữa vì ai biết bao lâu mới hết dịch và an toàn tuyệt đối.

Mong muốn trẻ sớm được đến trường

Chị Ngọc Thảo có 2 con, một cháu học lớp 4 và một bé 5 tuổi. Trong thời gian trường mầm non đóng cửa hoàn toàn, con út của chị không thể học gì từ đầu năm học tới nay. Nữ phụ huynh đánh giá việc học online ảnh hưởng chất lượng học tập cũng như tâm lý của con.

“Tôi hy vọng các con đều được đi học, trẻ mầm non có thể đến lớp chậm một tuần và được ăn bán trú. Dịch ở đâu, chúng ta khoanh vùng chỗ đó. Nếu chờ hết dịch mới cho trẻ đến trường, tôi sợ đến năm sau vẫn chưa hết”, bà mẹ hai con đề xuất.

Chị Thanh Huyền (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đánh giá việc tính toán cho học sinh trở lại trường ở thời điểm này là hợp lý.

Người mẹ này chia sẻ 2 năm qua, với tư cách vừa là giáo viên phổ thông, vừa là phụ huynh có con học tiểu học, chị hiểu tâm thế của cả người dạy lẫn người giám sát việc học online của con tại nhà.

Chị Thanh Huyền cho rằng việc học online trong thời gian quá dài đã khiến cả người dạy, người học “bị quen” với nó. Mọi người mới chỉ chú ý đến những khó khăn trước mắt như đường truyền mạng không ổn định, thiết bị học tập chưa đảm bảo, nguy cơ trẻ cận thị… mà chưa kể đến những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, kỹ năng của học sinh sau này.

Không ít phụ huynh cảm thấy nên để sang học kỳ II năm học 2021-2022 mới chuyển sang dạy trực tiếp. Chị Thanh Huyền đánh giá phương án này cũng có điểm hợp lý vì lúc đó, hầu hết người lớn đã phủ hết mũi 2 vaccine, phụ huynh cũng không cảm thấy đột ngột.

Tuy nhiên, chị vẫn ủng hộ phương án sớm cho trẻ đi học trở lại. Theo chị Thanh Huyền, trong tình hình dịch bệnh, không ai nói trước được điều gì. Thời điểm này có thể triển khai mở cửa trường học, nếu bỏ qua, đến tháng một, nếu tình huống xấu, trẻ lại không được đi học trực tiếp. Thời gian online bị kéo dài hơn.

Không thể so sánh Hà Nội với địa phương khác

Cũng theo phụ huynh ở Thanh Xuân, gần 2 năm qua, cách ứng phó tại mỗi thời điểm của tình hình dịch bệnh không giống nhau. Nếu áp đặt tư tưởng phong tỏa, đưa số ca mắc Covid-19 rồi mới quay lại nhịp sống bình thường là chưa phù hợp ở thời điểm này.

Bên cạnh đó, chị Thanh Huyền cho rằng Hà Nội đã chủ động cho nhịp sống mới. Người trên 18 tuổi, người mắc bệnh nền, nguy cơ cao đều đã được tiêm mũi 1 và gần hoàn thành mũi 2. Đối tượng yếu thế trước đại dịch đã được vaccine bảo vệ trước nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có các phương án ứng phó nếu dịch bùng phát.

Một lý do khác khiến chị tin tưởng có thể sớm cho học sinh đi học là theo báo cáo, nghiên cứu của nhiều quốc gia, tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 hoặc diễn biến nặng, tử vong rất thấp. Trong khi đó, người lớn đã được tiêm chủng.

Cùng quan điểm, chị Ngọc Thảo đánh giá với tình hình hiện tại, thành phố hoàn toàn có thể cho học sinh đến trường. Khi thành phố đã mở một số dịch vụ như cắt tóc, ăn uống tại chỗ, phụ huynh đều ra ngoài, tiếp xúc nhiều người.

"Chúng ta không thể nhìn Thanh Hóa, Phú Thọ rồi do dự vì tỷ lệ người lớn tiêm vaccine ở các địa phương đó chưa lớn”, chị Ngọc Thảo nêu ý kiến.

Hà Nội có thể cho học sinh đi học ngay

Không thể so sánh Hà Nội với các địa phương vừa bùng phát dịch gần đây cũng là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Ông nhấn mạnh Hà Nội nên cho học sinh đi học trở lại ngay, thậm chí lẽ ra nên cho đi học sớm hơn. Để đảm bảo an toàn, các trường dựa theo hướng dẫn cụ thể về phương án phòng, chống dịch để có kế hoạch phù hợp.

Trước những lo ngại trẻ đến trường có thể dẫn tới bùng phát dịch, PGS.TS Huy Nga cho rằng để đề phòng trường hợp đó, phụ huynh nên tiêm vaccine đầy đủ.

Với lo lắng của không ít người khi trẻ đi học trong tình trạng chưa được tiêm vaccine, ông khẳng định nếu không may mắc Covid-19, trẻ thường ít diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong rất thấp.

Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định nếu cứ chờ tiêm vaccine cho trẻ em rồi mới mở cửa trường học, phụ huynh còn phải chờ rất lâu. Chưa kể khi có vaccine, một số người vẫn không đồng ý cho con tiêm.

Ông nói thêm vấn đề bây giờ là phải cân nhắc tác hại của việc ở nhà. Các loại rối loạn tâm lý, bệnh về mắt, béo phì thậm chí còn nặng nề hơn Covid-19. Bên cạnh đó, chất lượng học online lại kém.

“Đây là việc đánh đổi, cái gì cũng có rủi ro. Có khi, trẻ ở nhà còn rủi ro hơn”, ông Huy Nga nêu ý kiến.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến Hà Nội nên cho học sinh đến trường sớm. Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị thành phố xem xét cho học sinh vùng xanh chuyển sang học trực tiếp.

Trưởng phòng GD&ĐT một số huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì chia sẻ mong muốn sớm mở cửa trường học trở lại. Sở GD&ĐT từng trình phương án cho học sinh đi học, trong đó, học sinh một số nơi, một số khối lớp có thể đến trường từ 25/10. Tuy nhiên, phương án này sau đó được sở rút lại để xem xét thêm.

Ông Hoàng Mạnh Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ (Hà Nội), cho hay chiều 19/10, giám đốc sở GD&ĐT đã họp, lấy ý kiến 30 trưởng phòng để lên kế hoạch đề xuất cho học sinh trở lại trường.

Theo đó, ở 15 huyện, thị, tạm coi là vùng xanh, học sinh các cấp có thể đến trường theo một trong 3 mốc, gồm 25/10, 1/11 hoặc 8/11. Tại những đơn vị còn lại, cũng theo mốc đó, học sinh các khối lớp đan xe ở các cấp đi học, học sinh mầm non tiếp tục nghỉ.

Ông Cường thông tin thêm trong cuộc họp, các phòng cũng báo cáo 3 nội dung cơ bản về tình hình tiêm chủng của cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất và thời điểm có thể chuyển sang dạy trực tiếp. Những trường trên địa bàn huyện Phúc Thọ luôn trong trạng thái sẵn sàng, có thể đón học sinh luôn từ ngày 25/10.

Cụ thể, cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, vật tư y tế đang được chuẩn bị, các đơn vị cũng xây dựng phương án giảng dạy, đảm bảo an toàn khi học sinh đến lớp.

Hiện tại, tỷ lệ cán bộ, giáo viên đã tiêm mũi 1 là 96,5%, mũi 2 là 81,2%, thuộc mức cao trong thành phố. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng cho học sinh trong độ tuổi phù hợp cũng dự kiến được triển khai.

Tuy nhiên, do địa bàn vừa có một người đi về từ TP.HCM dương tính SARS-CoV-2, 7 người được xác địn là F1, 20 người F2, trưởng phòng GD&ĐT Phúc Thọ đã đề xuất chuyển sang học trực tiếp từ 1/11 để có thêm thời gian quan sát. Dù vậy, ông nhắc lại nếu Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định cho học sinh ngoại thành đến trường từ 25/10, các trường ở Phúc Thọ vẫn thực hiện được.

Bài liên quan
TPHCM đề xuất chi 427 tỷ đồng hỗ trợ hơn 1,7 triệu học sinh
UBND TPHCM vừa có tờ trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TPHCM diễn ra ngày 18/10 về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trong học kỳ I, năm học 2021-2022. 

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội nên cho học sinh đến trường trong tháng 10