Cùng chung ý kiến với ông Hồng, một số hộ dân sinh sống, kinh doanh ở mặt phố Nguyễn Chí Thanh cũng cho biết, vào mùa hoa sữa nở rộ , về đêm và sáng sớm, họ thấy mùi hoa sữa rất hắc, nhiều người gặp tình trạng đau đầu, choáng ngợp.
Theo đại diện chính quyền phường Láng Thượng (Đống Đa), nhiều người dân cũng đã trao đổi, kiến nghị với chính quyền có biện pháp phù hợp để hạn chế bớt ảnh hưởng của hoa sữa đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Mới đây, lực lượng chức năng của phường, quận đã xuống lấy ý kiến, nhiều người dân kiến nghị nên đánh chuyển, thay thế, kéo giãn mật độ cây hoa sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh cho phù hợp.
“Như đặc trưng của Hải Phòng là hoa phượng. Nếu Hà Nội thay hoàn toàn cây hoa sữa bằng cây khác cũng không được, không còn đặc trưng mùa thu Hà Nội. Nhưng cũng cần thay thế bớt, để xen kẽ, hương thơm thoang thoảng sẽ phù hợp hơn”, ông Hồng nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, cây thay mới cần đảm bảo tương xứng về kích thước, đảm bảo tạo bóng mát, cảnh quan cho khu vực.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Ban QLDA quận Đống Đa cho biết, quận đang triển khai dự án chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hè đường, cây xanh, chiếu sáng…
“Quận đang kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của thành phố cho phép di chuyển khoảng 80 cây hoa sữa ở phố Nguyễn Chí Thanh , thay thế bằng các cây khác phù hợp hơn… để hạn chế mùi hương đậm đặc của hoa sữa, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân”, vị này nói.
Một cán bộ thuộc đơn vị chuyên môn của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, khi vào cao điểm nở hoa, mùi hương của cây hoa sữa sẽ tác động rất lớn đến người dân và hướng xử lý hợp lý nhất là đánh chuyển, di dời, bổ sung, thay thế bằng các loại cây khác phù hợp hơn trong không gian đô thị.