Thầy Phú nhớ lại: “Một lần thấy chùm hoa đại mới nở đẹp quá, tôi đứng lại ngắm. Vô tình học trò chứng kiến, các em đã phân công một bạn thức để trông, rồi hôm sau hái tặng thầy. Hôm sau, cầm chùm hoa trong tay và nghe các em kể lại câu chuyện, tôi không cầm được nước mắt. Hạnh phúc của nhà giáo bình dị nhưng giúp tôi yêu nghề hơn”.
Thầy Nguyễn Bá Ngọc và thầy Nguyễn Hữu Phú (ở giữa hàng sau) tại buổi lễ tổng kết năm học. Ảnh: NVCC |
Dụng cụ học tập làm từ vỏ ốc, san hô
Thầy Nguyễn Bá Ngọc cũng là giáo viên đăng ký tình nguyện ra huyện đảo Trường Sa để dạy học. Thầy được phân công cùng thầy Phú về Trường Tiểu học Song Tử Tây công tác. Bốn năm gắn bó, thầy Ngọc đã biến những khó khăn, khắc nghiệt ở đây thành động lực bám trường, bám lớp, đồng hành cùng học sinh.
Theo thầy Ngọc, dạy học ở huyện đảo có rất nhiều sự khác biệt, không giống như trong giáo trình được dạy ở trường sư phạm. Hai thầy thường xuyên phải trao đổi và nghiên cứu làm đồ dùng học tập phù hợp với điều kiện khí hậu biển đảo, mô hình dạy lớp ghép với học sinh nhiều độ tuổi khác nhau.
Thời tiết khắc nghiệt, do đó, mỗi quyển sách, cuốn vở, đồ dùng học tập đều được thầy trò nơi đây nâng niu, gìn giữ. “Học xong, chúng tôi gói trong túi bóng và cất lên cao đề phòng nước biển bốc hơi dính vào sẽ hư hỏng. Quyển sách nào không may bị hỏng, chúng tôi lại lật lại từng trang kiểm tra, trang nào chưa hỏng sẽ cắt ra, sau này tái sử dụng”, thầy Ngọc kể.
Trường tiểu học Song Tử Tây được ngành GD-ĐT cung cấp đầy đủ trang thiết bị dạy học nhưng do khí hậu khắc nghiệt nên nhanh hỏng.
“Nhiều lần, chúng tôi cần nghiên cứu tài liệu để giảng dạy nhưng không có Internet, hay tài liệu bị hỏng không còn thông tin nên phải gọi điện vào đất liền để hỏi đồng nghiệp. Nhiều lúc gọi điện nhưng sóng yếu, thông tin bị gián đoạn. Những lúc như vậy cảm thấy rất áp lực, mệt mỏi nhưng nhìn thấy nụ cười của học trò, cả hai thầy lại động viên nhau cố gắng. Cuối cùng, hai thầy lại tự mày mò, nghiên cứu để tìm hướng giải quyết”, thầy Ngọc cho hay.
Để đồ dùng học tập cho học sinh đa dạng, thầy Ngọc và thầy Phú đã tận dụng những vật liệu có sẵn như lá cây, san hô, vỏ sò, vỏ ốc, đá làm đồ dùng học tập phục vụ giảng dạy. Đối với hoạt động ngoại khóa, các thầy ưu tiên chủ đề biển đảo để tuyên truyền giảng dạy cho học sinh của mình…
Trung tuần tháng 6 vừa qua, thầy Nguyễn Hữu Phú phải trở về đất liền chữa bệnh và thực hiện phẫu thuật mắt ở Bệnh viện Quân đội 108. Hay tin, TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên thầy Nguyễn Hữu Phú. TS Nguyễn Ngọc Ân cho biết: “Thầy cô đang công tác tại vùng núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo luôn được Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đặc biệt quan tâm. Những gì các thầy đang cống hiến đều được Nhà nước ghi nhận, được cộng đồng khâm phục, dõi theo và ủng hộ”.