Hiệu quả mô hình "khép kín" phòng dịch trong trường nội trú, bán trú

Đức Trí | 14/03/2022, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dịch diễn biến phức tạp thì việc đảm bảo tiến độ, chất lượng dạy học gắn liền với tổ chức sinh hoạt, phòng dịch. Đặc biệt với trường nội trú, bán trú càng đòi hỏi sát sao khoa học theo điều kiện thực tế.

Nhiều trường nội trú, bán trú đã cho học sinh ở lại trường để đảm bảo phòng dịch và dạy học. Nhiều trường nội trú, bán trú đã cho học sinh ở lại trường để đảm bảo phòng dịch và dạy học.

Khép kín trường lớp để phòng dịch

Trường THPT DTNT tỉnh Lào Cai có 520/525 học sinh ăn ở, học tập tại trường. Để đảm bảo cho hoạt động dạy học diễn ra bình thường từ tái giảng sau Tết đến nay học sinh được yêu cầu ở lại trường, không về nhà thứ 7, chủ nhật. Mặt khác, trường cũng yêu cầu gia đình, cha mẹ không tới thăm, gặp gỡ để học trò tránh hoàn toàn với nguy cơ lây bệnh do tiếp xúc với bên ngoài.

Cô Lê Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng cho biết thêm: Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, học sinh toàn trường lên lớp học trực tuyến như bình thường. Giáo viên dạy từ nhà và truyền tới lớp. Mỗi lớp học đều được trang bị đủ máy tính, màn chiếu để kết nối dạy học trực tuyến hiệu quả nhất.

Với yêu cầu việc dạy học dù không có giáo viên trên lớp nhưng vẫn nghiêm túc, chất lượng, trường đã bố trí giáo viên, đoàn thanh niên, giáo vụ thường xuyên đi dọc hành lang giám sát, nhắc nhở học sinh trong lớp. Mặt khác thông qua camera tổng giáo vụ cũng nắm bắt tình hình trực tiếp để điều chỉnh tức thì.

Trong quá trình giám sát, trường yêu cầu thầy cô làm nhiệm vụ tuân thủ tuyệt đối 5K, đứng ngoài hành lang và không tiếp xúc gần với học sinh trong lớp.

Trong khâu tổ chức bếp ăn, bộ phận nhà bếp thực hiện ở khu vực bếp khép kín, học sinh không được vào. Sau khi chế biến, thay vì cho ăn tập trung như trước cấp dưỡng sẽ chia cơm theo cặp lồng riêng cho học sinh rồi chuyển tới phòng chờ. Mỗi phòng sẽ cử 2 học sinh đi nhận cơm. Giờ nhận cơm được chia so le theo từng khối lớp để tránh tiếp xúc đông người tại một điểm...

Cũng theo cô Quỳnh, trường đã xây dựng phương án có học sinh bị F0 trong trường, chuẩn bị sẵn thiết bị y tế, phòng cách ly cho HS F0, F1 tại trường để các em có thể vừa điều trị vừa học. Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm cũng đẩy mạnh tuyên truyền tới gia đình, phụ huynh đồng thuận với chủ trương không thăm nuôi gặp gỡ. Mọi đồ đạc gửi tới học sinh sẽ để lại phòng bảo vệ và học sinh nhận sau đó.

Nhiều trường nội trú, bán trú duy trì tiến độ dạy học bởi làm tốt công tác phòng, chống dịch

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Tha (Văn Bàn, Lào Cai), cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu Trưởng trao đổi: 430 học sinh toàn trường vừa trở lại trường học tập trực tiếp từ 7/3 (trong đó có 188 học sinh bán trú). Trường đã tiến hành kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt trực tiếp kết hợp theo dõi sức khỏe học sinh qua nhóm zalo với bố mẹ trước khi học sinh nhập học.

Để đảm bảo tối đa việc lây nhiễm dịch bệnh ở thời điểm nước rút kết thúc năm học, trường giữ toàn bộ số học sinh bán trú ở lại trường thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Thời gian 2 ngày này sẽ được để dạy bù nghỉ dịch cho kịp chương trình.

Trong quá trình học sinh ở trường học tập, sinh hoạt nhà trường kiểm soát sức khỏe học sinh hàng ngày, không để cha mẹ, khách… ra vào trường. Việc sinh hoạt, ăn uống, học tập cũng chia theo nhóm nhỏ.

Nếu dịch bệnh trên địa bàn vẫn phức tạp, trường sẽ thực hiện tách học sinh bán trú và ngoại trú học theo từng khối lớp, học ở những khu vực riêng, phân luồng khu vệ sinh cho học sinh bán trú và ngoại… để loại bỏ lây chéo. 100% giáo viên cũng sẽ được vận động ở lại trường dạy học liền mạch đến kết thúc năm học.

Như vậy về cơ bản việc sinh hoạt và dạy học cho học sinh sẽ khép kín, cố gắng tối đa không để lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào trường học, tăng cường giải pháp phòng dịch đảm bảo sức khỏe học sinh đến kết thúc năm học.

Trường PTDTBT Tiểu học xã Ma Lé (Đồng Văn, Hà Giang) có 237/713 HS bán trú. Điểm trường chính có hơn 200/443 học sinhăn ở học tập trung tại trường. Công tác tổ chức học tập, bán trú được trường quan tâm và đặt lên làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho tới khi kết thúc năm học.

Cô Dương Thị Thành, Hiệu trưởng trao đổi: Khi học sinh trở lại trường học trực tiếp trường sẽ kiểm tra sức khỏe và giữ toàn bộ học sinh bán trú ở lại trường không cho về. Trong quá trình học tập, sinh hoạt tại trường nếu em nào bị F0 sẽ cách ly điều trị tại trường để tránh lây bệnh về gia đình.

Số học sinh bán trú giữ lại trường thứ 7, chủ nhật sẽ thực hiện dạy học nhưng thời lượng và chương trình điều chỉnh phù hợp. Sáng học chiều sinh hoạt ngoại khóa tránh để học sinh bị quá tải, căng thẳng.

Với hơn 200 học sinh ngoại trú, để tránh tình trạng mang dịch tới trường, nhà trường đã tính đến phương án tách lớp cho học sinh ngoại trú, bán trú học riêng, kê giãn cách bàn ghế lớp học…

Đội ngũ giáo viên cũng được yêu cầu không di chuyển khỏi địa bàn. Theo dõi thường xuyên sức khỏe và thực hiện 3 ngày test nhanh một lần…

Dù dịch bệnh phức tạp nhưng các nhà trường vẫn đảm bảo được tiến độ, chất lượng dạy học

Duy trì tiến độ dạy học

Cô Lê Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lào Cai cho biết, cách tổ chức học tập, sinh hoạt “khép kín” trong phạm vi trường lớp đã phát huy hiệu quả. Hiện tại trường không có học sinh F0, sức khỏe được đảm bảo. Từ đó dẫn tới tiến độ dạy học diễn ra đúng kế hoạch. Công tác ôn thi tốt nghiệp cho học sinh khối 12 cũng hiệu quả, không bị ảnh hưởng về bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, từ mô hình khép kín của Trường THPT DTNT tỉnh Lào Cai để duy trì tiến độ cho thấy, cần đầu tư tốt về cơ sở vật chất để dạy học không gián đoạn và hỗ trợ hiệu quả cho việc dạy học trực tuyến, quản lý học sinh trên lớp. Mặt khác, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh tối đa thông qua bản tin phát các buổi chiều của Đoàn thanh niên giúp cho học sinh hiểu và nâng cao ý thức phòng chống dịch.

Thầy Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT huyện Bát Xát (Lào Cai) cũng cho biết việc tổ chức dạy học và sinh hoạt khép kín trong phạm vi trường, lớp để phòng chống dịch đã phát huy hiệu quả.

2/3 học sinh bán trú được học tập sinh hoạt cả thứ 7, chủ nhật; 1/3 học sinh ngoại trú học trực tuyến, giao bài và nộp sản phẩm. Nên tiến độ không bị chậm so với kế hoạch kết thúc năm học.

Trường đã dự kiến chương trình chính khóa sẽ kết thúc vào 25/4. Riêng khối 12 kết thúc sớm vào 15/4 để tiếp tục bước vào ôn thi tốt nghiệp. Thậm chí với học sinh khối 12 ngoại trú trường dự định trao đổi cùng phụ huynh để đưa hoàn toàn số này vào trường ăn ở học tập khép kín cho tới khi thi để không bị ảnh hưởng.

“Trong môi trường khép kín, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, phương án phòng dịch, sinh hoạt theo nền nếp… thì sức khỏe và học tập của học sinh được đảm bảo tối đa. Thậm chí công tác tổ chức học tập phòng dịch tại trường đang thể hiện hiệu quả, tốt hơn nhiều cho học sinh so với để các em tại nhà, thiếu cả điều kiện học tập và phòng dịch...”, thầy Quế trao đổi.
Bài liên quan
Kiên Giang: Quan tâm tổ chức ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục
Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang vừa có công văn về việc tăng cường, đẩy mạnh việc tổ chức ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả mô hình "khép kín" phòng dịch trong trường nội trú, bán trú