HLV Troussier khác ông Park, nhưng phù hợp với bóng đá Việt Nam

23/01/2023, 19:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có những sự khác biệt cơ bản trong phong cách quản lý nhân sự của ông Park Hang-seo và Philippe Troussier.

Chia sẻ với ZingNews trong những ngày đầu năm mới, cựu Giám đốc điều hành CLB Phố Hiến, Cần Thơ và cựu thành viên BCH VPF, Lê Minh Dũng, tin rằng bóng đá Việt Nam vẫn đang đi lên trong bối cảnh khó khăn về kinh tế như hiện tại.

Với thời gian làm việc cùng HLV Philippe Troussier, ông Dũng tin nếu nhà cầm quân người Pháp được bổ nhiệm vào vị trí HLV trưởng tuyển Việt Nam, đây sẽ là sự kết hợp đáng chờ đợi.

Troussier anh 1
Ông Lê Minh Dũng tiết lộ nhiều CLB tại Thái Lan và Nhật Bản muốn có Quang Hải. Ảnh: Thế Anh.

Quang Hải nên tới Nhật Bản

- Vài năm qua, nhiều cầu thủ Việt Nam, đều thuộc dạng xuất sắc, đã xuất ngoại, nhưng điểm chung đều là thất bại. Theo anh, lý do là gì?

- Hai năm trước, tôi kết luận là Đoàn Văn Hậu và một số cầu thủ đều đã có những bước đi có thể nói là có ít dấu ấn chuyên môn. Với trường hợp của Quang Hải, đã bắt đầu xuất hiện những kết luận như vậy

Tuy nhiên, cá nhân tôi lại có suy nghĩ hơi khác. Tôi cũng xem các trận đấu của Pau FC và tin rằng điểm đến này với Quang Hải không quá tầm, mà đơn giản là điểm đến không phù hợp về mặt chuyên môn. Pau FC không được xây dựng cho những cầu thủ như Quang Hải.

Đội bóng đó được xây dựng cho những cầu thủ mạnh mẽ về thể chất, chịu va đập tốt, chạy nhiều, chơi trực diện. Còn muốn sử dụng được tài năng của Quang Hải, bóng phải lăn dưới đất. Ít nhất là như vậy.

Dĩ nhiên còn có những lý do khác nữa: Quang Hải có sống được ở Pháp hay không, thích nghi môi trường hay không, có hòa nhập được với các đồng đội hay không thì thời gian mới trả lời được.

Chỉ có điều: sự nghiệp bóng đá rất ngắn. Cho đến thời điểm này, tôi nghĩ chúng ta vẫn nên ủng hộ việc Quang Hải lựa chọn đi ra nước ngoài chứ chúng ta không nên bàn lùi rằng lẽ ra không đi nước ngoài cứ ở lại Việt Nam thì sẽ tốt hơn.

Những trải nghiệm quốc tế của của những cầu thủ như Quang Hải sẽ giúp bóng đá Việt Nam hiểu bản thân cầu thủ nhiều hơn, hiểu được đâu là lựa chọn chính xác, đâu là lựa chọn phù hợp. Những nhà quản lý, những người đại diện cũng sẽ dần hiểu đâu là điều mới, là cần thiết nhất cho cầu thủ.

- Nếu không phải là Pháp, nền bóng đá nào, giải đấu nào ở châu Âu hoặc trên bình diện thế giới sẽ thích hợp nhất với Quang Hải?

- Nguồn tin cá nhân của tôi cho biết rất nhiều CLB mong muốn có Quang Hải, trong đó có một đội bóng hàng đầu của Thái League 1, một đội bóng của J.League 1, rất nhiều đội bóng của J.League 2, K.League 2, Lithuania và Áo. Một số lời đồn rằng có cả những CLB từ Anh, Tây Ban Nha. Nếu tôi được quyền quyết định chẳng hạn, tôi sẽ khuyên Quang Hải nên tới Nhật Bản.

Đấy là điểm đến không chỉ phù hợp về phong cách, lối chơi mà nó cũng có hai điều để chúng ta có thể kỳ vọng Quang Hải sẽ tìm thấy thành công. Thứ nhất: những CLB Nhật Bản tôn trọng và muốn có những cầu thủ Đông Nam Á. Họ đã có kinh nghiệm để giúp các cầu thủ từ Đông Nam Á phát triển.

Thứ hai: Nhật Bản về cơ bản vẫn là một điểm đến mang tính chất trung chuyển. Nếu mà tài năng của Hải có thể tỏa sáng hơn, cậu ấy hoàn toàn có thể từ Nhật Bản để đi đến những nơi khác ở châu Âu.

Troussier anh 2
Phong độ của Quang Hải không còn thăng hoa như trước sau khi xuất ngoại. Ảnh: Thuận Thắng.

- Quang Hải đã 26 tuổi. Giả sử Hải chấp nhận làm lại tại Nhật Bản, liệu có quá muộn để tới với các nền bóng đá hàng đầu không?

- Tôi nghĩ là được. Nếu đặt ra tiêu chuẩn để được coi là thành công ở Nhật Bản là như Chanathip hay Theerathon, Quang Hải sẽ cần 2-3 năm.

Dù vậy, đôi khi có những mốc khác để xem là thành công. Như Thitipan Puangchan chẳng hạn. Đây là cầu thủ cùng lứa với Chanathip. Thitipan qua Nhật Bản thi đấu cho Oita Trinita một năm duy nhất, đá hơn 20 trận. Đấy cũng đã là một thành công.

Đôi khi kỳ vọng của người hâm mộ vẫn quá cao rằng cầu thủ Việt Nam phải đứng nhất châu Á, phải thi đấu ở châu Âu… Với Quang Hải, 26 tuổi vẫn chưa phải muộn. Quang Hải vẫn còn đủ khả năng để thi đấu đỉnh cao khoảng 5 năm nữa. Hoặc đôi khi, sự khó khăn ở Pháp bây giờ lại là trải nghiệm tốt để Quang Hải hiểu được bản thân nhiều hơn.

Khác biệt giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan

- Nói đến J.League thì khó quên được Theerathon. Đây có lẽ là cầu thủ Đông Nam Á thành công nhất tại giải đấu này khi từng vô địch. Tại AFF Cup vừa qua, Theerathon chơi tuyệt hay giúp Thái Lan vô địch, và gần như là điểm khác biệt lớn nhất giữa đội hình B của Thái và Việt Nam. Chúng ta đã tiến bộ nhiều trong 5 năm qua, nhưng cách biệt giữa bóng đá Việt Nam với Thái Lan dường như vẫn lớn. Sự khác biệt giữa hai nền bóng đá là gì?

- Tôi cũng nghĩ đến chuyện này sau trận chung kết lượt đi vì bất ngờ. Tôi không ngờ các cầu thủ Thái Lan lại nhỉnh hơn Việt Nam về mặt đẳng cấp tập thể đến mức có thể nhìn thấy được như vậy. Tôi mới tìm hiểu về tiền đạo số 21 của Thái Lan, Poramet Arjvirai. Cầu thủ này sinh năm 1998 như phần lớn các cầu thủ trụ cột của tuyển Việt Nam, đã thi đấu khoảng hơn 70 trận cho CLB Muangthong ở Thai League.

Chúng ta ít nghe tên cầu thủ này, nhưng hóa ra đó cũng là một cầu thủ đã thi đấu thường xuyên và ổn định tại một trong những đội bóng giàu truyền thống, và sự ổn định đó đã giúp anh ta phát triển. Thái League hẳn còn nhiều cầu thủ khác như vậy.

Tôi tin điểm hơn của Thái Lan trước Việt Nam đang nằm ở giải VĐQG và hệ thống điều hành của họ. Vì sao Thái Lan lại không có được đội hình mạnh nhất tại AFF Cup 2022? Đơn giản: nhiều đội bóng, đặc biệt là Buriram United ra mặt phản đối việc giải đấu bị dừng lại để cho ĐTQG được triệu tập.

Bù lại, ông Mano Polking vẫn có thể tìm ra các cầu thủ ở những CLB khác. Đấy là các cầu thủ chúng ta ít khi nghe tên, bởi đơn giản nhóm này lên tuyển quốc gia cũng đã là một điều hiếm hoi, hoặc lên cũng chỉ dự bị.

Tất cả cầu thủ này đều đang thi đấu rất ổn định, rất có chỗ đứng trong đội bóng của họ tại Thai League. Mà các đội bóng này cũng như giải đấu đều được tổ chức tốt, nên cầu thủ có môi trường phát triển ổn định. Nhìn ngược sang V.League, hầu như giải đấu của chúng ta trong khoảng 2 năm qua đã bị gãy vụn sau những kỳ tạm dừng để phục vụ cho ĐT Việt Nam hay đội U23.

Troussier anh 3
Bóng đá Thái Lan vẫn nhỉnh hơn Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh.

Ở đây tôi không nói những giải đấu như SEA Games hay AFF Cup không quan trọng. Bóng đá cuối cùng cũng cần thành tích của ĐTQG để làm đầu tàu. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ về sự ổn định cho giải đấu, cho cho những cầu thủ thông thường chúng ta nghĩ là họ sẽ không đóng góp được cho đội tuyển quốc gia, nhưng sau cùng vẫn là một thành tố trong nền bóng đá.

Giải đấu phải được coi trọng hơn nữa. Nhìn sang lịch thi đấu của năm 2023, đây là một vấn đề mà có thể bây giờ thì chúng ta chưa nghe thấy quá nhiều lời phàn nàn.

Nhưng vào bước vào mùa giải 2023, sẽ có vô vàn những sự bàn tán, vì sẽ có khoảng 3-4 đợt dừng giải đấu để phục vụ cho đợt tập trung của các ĐTQG, thậm chí cả tuyển trẻ. Nếu giải đấu không liền mạch, các cầu thủ không thể được thi đấu thường xuyên, nguồn lực cho đội tuyển quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng.

- Có giải pháp nào cho việc này không?

- Đây chỉ là một cuộc chiến về mặt tư duy. Liệu chúng ta có có xác định được đâu là điều cần được coi trọng hay không? Sẽ đến một thời điểm, khi các CLB có đủ tiếng nói, V.League có đủ sức nặng, đặc biệt là về tiền, không phụ thuộc vào ĐTQG, họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm với nhà tài trợ. Họ sẽ không thể đơn thuần dựa vào ý chí để đưa ra những quyết định đơn giản như dừng giải đấu ở một thời điểm nhất định và đã được định chung.

- Anh từng đến cả Thái Lan lẫn Nhật Bản để học hỏi cách làm bóng đá từ họ. Làm cách nào để Việt Nam rút ngắn khoảng cách này?

- Đây là một câu hỏi rất khó. Cách đây vài ngày, tôi có theo dõi những dòng tranh luận về bóng đá Italy. Đây là nền bóng đá lớn có những điểm tương đồng với bóng đá Việt Nam. Ở Italy lúc này, người ta đang bàn luận là tại sao các đội bóng của họ lại kiếm tiền không không đủ nhiều như các CLB ở Anh hay Đức, Tây Ban Nha.

Khi nhìn vào những vấn đề này, có những thứ rất rất căn bản. Ví dụ các các đội Italy không sở hữu SVĐ, điều này hoàn toàn giống với Việt Nam. Rất hiếm CLB có thể chủ động khai thác sân vận động một cách tối đa như HAGL chẳng hạn. Phần còn lại đều hạn chế đầu tư vào hạng mục căn bản nhất. Lý do rất đơn giản: đấy không phải tài sản của họ, thậm chí CLB có khi không có quyền để đầu tư vào tài sản đó nữa.

Sau cùng thì thì câu trả lời cũng chỉ có thể nằm ở chính CLB. Nếu các CLB muốn bắt kịp với thông lệ thế giới, mọi thứ mới có thể vận động. Còn nếu bản thân CLB không có nhu cầu, mọi chuyện vẫn sẽ rất khó.

“Ông Troussier cực phù hợp với bóng đá Việt Nam”

- Tuyển Việt Nam vừa chia tay HLV Park Hang-seo sau 5 năm. Không HLV ngoại nào làm việc liền mạch ở cấp độ ĐTQG tại Việt Nam lâu như thầy Park. Và cũng không ai thành công như Park. Theo anh bóng đá Việt Nam trước và sau Park có những điểm tích cực và còn tồn tại hạn chế nào?

- Tôi thấy là ông Park Hang-seo dù sao cũng là người khơi gợi lại được cảm hứng, tình yêu bóng đá của không chỉ người dân Việt Nam mà còn của các doanh nghiệp. Đó là điều rất đáng mừng. Sau ông Park, bóng đá Việt Nam sẽ có tiền lệ về việc kêu gọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho cho việc tuyển dụng không chỉ HLV mà còn cả ê-kíp đi cùng. Tất cả đều nhờ HLV Park.

Về chuyên môn, kỳ vọng của mọi người cũng sẽ thay đổi vì ông Park. Ông Park để lại một câu nói rất đúng: Người Việt Nam yêu bóng đá chiến thắng.

Bản sắc bóng đá của Việt Nam là gì? Hầu như không ai biết cả. Người hâm mộ có nhiều kỳ vọng, nhưng mà bóng đá Việt Nam không có một bản sắc nào. Đây là thứ bài học rất quan trọng ông Park để lại cho tất cả tất cả HLV, là câu chuyện bản sắc ở Việt Nam không quan trọng. Một khi đã chiến thắng rồi thì kể cả phòng ngự thụ động, CĐV vẫn sẽ yêu quý.

Nói vậy không phải cái gì đấy tiêu cực. Thực ra đó là bài học rất quan trọng cho không chỉ các HLV mà cả cho những người làm bóng đá Việt Nam: Chúng ta cứ phải thắng nữa thì mới có nền tảng để nói tiếp được.

- Nhiều nguồn tin cho rằng HLV Philippe Troussier, thậm chí VFF đã đạt thỏa thuận với HLV người Pháp. Anh từng làm việc khá thân cận với Troussier, liệu đây có phải người phù hợp với bóng đá Việt Nam? Vì sao?

- Tôi nghĩ đây là một lựa chọn cực kỳ phù hợp vì nhiều lý do. Thứ nhất: Ông Troussier muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam, và muốn thể hiện mình trong nền bóng đá này. Sẽ có rất nhiều HLV khác, những người tham vọng, nhắm đến Việt Nam như là một bước đi để họ tiến tới những nơi khác cao cấp hơn.

Ông Troussier không phải người như vậy. Ông Troussier đến đây vì muốn giúp bóng đá Việt Nam, giúp cho ĐT Việt Nam chơi tốt hơn, thực sự là vì bóng đá Việt Nam chứ không phải là vì muốn thể hiện tốt ở đây để tìm chỗ khác.

Ông Troussier đã đi mọi nơi rồi. Ông đã huấn luyện Marseille, vô địch châu Á cùng ĐT Nhật Bản. Ông cũng đã tham dự vòng chung kết World Cup. Nói ông Troussier cần thể hiện thêm điều gì thì thực chất không có. Ông ấy muốn tới Việt Nam và muốn làm việc ở đây. Tôi tin đấy là một trong những lý do quan trọng nhất.

Thứ hai, tôi tin ông Troussier sẽ khơi dậy được những những tài năng mới nữa cho bóng đá Việt Nam. Ông Park Hang-seo rất thành công, nhưng thành công của ông ấy gần như gắn với một một tệp cầu thủ nhất định.

Đôi khi có những cầu thủ chưa đạt được phong độ cao nhất nhưng vẫn được gọi lên tuyển, vẫn được thi đấu một cách rất thường xuyên. Ở chiều ngược lại, có những cầu thủ đạt được đỉnh phong độ nhưng cũng không có cơ hội để thể hiện, cống hiến cho đội tuyển. Đấy là điều đáng tiếc.

Tôi cũng hy vọng là ông Troussier sẽ là một người mà có một góc nhìn mới, sẽ trao những cơ hội cho những cầu thủ chưa được thể hiện mình dưới thời ông Park.

Troussier anh 4
Ông Troussier có thời gian gắn bó với bóng đá Việt Nam.

- Việc thay một HLV từ Hàn Quốc (Á Đông) sang Pháp (châu Âu) có phải bước đi phù hợp?

- Chắc chắn sẽ có khác biệt ở văn hóa làm việc. Tuy nhiên, tôi từng nói chuyện với rất nhiều HLV và cầu thủ của các cầu thủ thế hệ 2008 và 2018, họ đều đưa ra quan điểm chung: Cả ông Henrique Calisto và ông Park Hang-seo đều là mẫu quản lý cầu thủ và tập thể theo dựa trên tình cảm gia đình.

Gần như họ là những ông bố của các cầu thủ, là người anh của những thành viên trong ban huấn luyện. Họ lãnh đạo tập thể bằng bầu không khí mang tính chất gia đình. Phương Đông và phương Tây có thể khác nhau về trường phái, phong cách, quan điểm, nhưng nhìn lại những người thành công cùng đội tuyển Việt Nam, họ đều có phương pháp quản lý như vậy.

Nếu có gì đáng lo, thì là việc ông Troussier không phải người như vậy. Ông Troussier đề cao sự sự chuyên nghiệp theo hướng: Tôi là HLV, chúng ta sẽ phải có một khoảng cách nhất định, tôi sẽ không phải là ông bố của anh và là một người đi chăm sóc tất cả những câu chuyện ngoài sân cỏ.

Ngược lại, ông Troussier sẽ đưa ra được những điều khác. Ông sẽ mang đến sự công bằng. Ông ấy cũng đặt ra yêu cầu rất cao về chuyên môn, và một lối chơi chắc chắn là khác hẳn, dù sơ đồ yêu thích của Troussier cũng giống ông Park là sơ đồ 3 trung vệ.

Tham vọng World Cup có khả thi?

- Nhiều CĐV muốn thấy tuyển Việt Nam dự World Cup 2026, đặc biệt khi cúp thế giới đã nâng số đội lên 48? Theo anh, Việt Nam liệu có khả năng góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh?

- Có rất nhiều lý do để nói Việt Nam có tiềm năng, nội lực để hướng tới việc cạnh tranh một suất dự World Cup 2026. Nhưng trên thực tế, để đạt được thành tích như thế, nó không đơn thuần là đầu tư dàn trải. Chúng ta không thể muốn làm tốt mọi giải đấu, từ SEA Games, AFF Cup, U23 Châu Á. Đó phải là cả một quá trình để hướng đến.

Ví dụ bây giờ nếu mục tiêu của chúng ta là World Cup thì các trận đấu vòng loại mới là quan trọng nhất chứ không phải là AFF Cup, SEA Games, hay một giải đấu nào nào đấy mà không liên quan.

Để chuẩn bị cho những kỳ FIFA Days, nếu chúng ta muốn các cầu thủ sung sức nhất, đạt phong độ cao nhất, môi trường thi đấu của cầu thủ trước các kỳ FIFA Days phải được chăm bẵm. Đấy chính là CLB, và chính vì thế thì giải đấu cấp CLB phải được tổ chức một cách đều đặn bải bàn.

Các cầu thủ cần được duy trì nhịp thi đấu 1 trận/tuần để đảm bảo thể lực, phong độ, để HLV trưởng đội tuyển quốc gia có thể đến với các giải đấu và lựa chọn những cầu thủ tốt nhất, thay vì sử dụng các kỳ tập huấn kéo dài cả tháng trời. Tóm lại, phải có phân bổ về mặt ưu tiên. Sự phân bổ ấy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của tất cả các giải đấu còn lại. Nhưng liệu Việt Nam có chấp nhận đánh đổi hay không?

Troussier anh 5
Cả Việt Nam và Thái Lan đều khó dự World Cup. Ảnh: Duy Anh.

- Trong giai đoạn 2015-2022, Thái Lan có lứa cầu thủ xuất sắc như Chanathip, Theerathon, Teerasil Dangda, nhưng chỉ lọt vào Vòng loại thứ ba World Cup đúng một lần, và bị loại ở VL thứ hai trước chính Việt Nam. World Cup có phải đấu trường quá sức với tuyển Việt Nam không? Nếu VFF không coi World Cup là một mục tiêu thì theo anh, mục tiêu lớn nhất của chúng ta trong giai đoạn 2023-26 sẽ là gì?

- Tôi từng trao đổi với một anh bạn Thái Lan về chủ đề này. Và ở khía cạnh nền bóng đá, Việt Nam và Thái Lan có những tương đồng. Nội lực nền bóng đá của cả hai chưa đủ mạnh để nhắm một cách ổn định với những thành tích như tham dự VCK World Cup thường xuyên.

Nhìn vào Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ không thường xuyên vô địch Asian Cup hay ASIAD, nhưng họ có mặt ở World Cup một cách ổn định và thường xuyên rất đơn giản chỉ vì họ đủ nội lực để làm việc ấy.

Với những nền bóng đá như Thái Lan hay Việt Nam, đôi khi người hâm mộ cảm thấy phải có một sự "đầu tư trọng điểm" nào đó để tham dự World Cup, kéo theo việc sẽ dẹp hết các mục tiêu phát triển còn lại. Đấy là tư duy hơi sai một chút. Thái Lan đã đi trước Việt Nam trong khâu này.

Người Thái từng đi qua một giai đoạn bỏ hết tất cả các giải đấu cấp khu vực, thậm chí giải đấu trẻ để tập trung cho mục tiêu duy nhất là giành vé dự World Cup và họ đã thất bại. Ngay lập tức, Madam Pang xuất hiện với một món cờ duy nhất: phải vô địch trở lại rồi tính tiếp. Đấy sẽ là một vòng luẩn quẩn Việt Nam có thể dẫm vào ở thời điểm hiện tại.

Ở thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam có thể đã thấy quá no nê ở các giải khu vực, và vì thế nên chúng ta sẽ nhắm đến World Cup. Nhưng sau cùng, nó cũng chỉ là bài toán nội lực mà thôi. Nếu đánh đổi tất cả để hướng tới World Cup, chúng ta vẫn có thể sẽ thất bại. NHM sẽ bị hẫng. Nếu không phát triển nội lực, chúng ta cũng cũng chẳng có, chẳng có gì là ổn định cả. Ví dụ, không nên kỳ vọng vào những "thế hệ vàng" hay những "lứa gà nòi", thay vào đó hãy phát triển hệ thống ổn định để sóng sau xô sóng trước.

- Hãy nói một chút về bóng đá trẻ. Cách đây không lâu tôi có biết thông tin về năm 2017, một lò đào tạo cầu thủ trẻ ở Việt Nam sang Thụy Điển dự giải đấu, một vài cầu thủ U15 được Inter Milan và Anderlecht liên hệ để chiêu mộ. Chuyện sau này không thành vì nhiều lý do. Nhưng rõ ràng cầu thủ trẻ Việt Nam ở thời điểm hiện tại rất có tiềm năng. Với những tấm gương thất bại như Hậu hay Hải, theo anh, cách nào để chúng ta phát triển cầu thủ trẻ và gặt hái được thành công?

- Hãy cứ giả sử Inter Milan đặt vấn đề mua hẳn cầu thủ trẻ ấy, thì tôi tin chưa chắc đội bóng chủ quản Việt Nam đã nhả người. Bản thân cầu thủ trẻ ấy có lẽ cũng chưa chắc đã sẵn sàng xuất ngoại.

Nhưng nếu vùng vẫy trong môi trường Việt Nam mãi, các cầu thủ trẻ sẽ khó phát tiết được hết một trăm phần trăm cái gọi là tiềm năng của các em. Gần đây, một trong những cầu thủ quan trọng nhất của ĐT Việt Nam, đang trong độ tuổi rất đẹp, bày tỏ nguyện vọng đi ra nước ngoài thi đấu nhưng đội bóng chủ quản không đồng ý bởi lý do rất đơn giản: hợp đồng vẫn còn dài.

Các CLB ở nước ngoài, như Nhật Bản cũng rất quan tâm, nhưng họ biết thừa không thể thuyết phục được. Họ bỏ qua và hướng tới các cầu thủ Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng nếu muốn các tài năng trẻ có thể phát triển được thì đôi khi các CLB sẽ phải thay đổi tư duy. Tư duy đấy là phải làm bóng đá theo thông lệ quốc tế chứ không phải theo thông lệ của của đất nước Việt Nam.

- SEA Games sắp tới Campuchia sẽ là giải đấu đầu tiên của bóng đá Việt Nam cùng HLV mới, rất có thể là ông Troussier. Theo anh, U23 Việt Nam sẽ đạt thành tích gì, cầu thủ nào sẽ gây ấn tượng?

- Trùng hợp là các cầu thủ lứa 2001-03 tham dự SEA Games sắp tới chính là lứa cầu thủ từng làm việc cùng ông Troussier. Tôi tin nếu ông ấy là người tiếp theo, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh huy chương vàng. Cá nhân tôi vẫn luôn tin rằng đây là lứa cầu thủ rất rất tốt, rất mạnh và tiềm năng của họ không thua kém gì lứa câu 97-99 mà chúng ta cũng đang đang được chứng kiến.

Cầu thủ quan trọng nhất tôi dự đoán sẽ là Nguyễn Thanh Nhàn, sinh năm 2003, là một cầu thủ mà sự nghiệp được tác động lớn bởi Troussier. Nhắc đến Thanh Nhàn là phải nhắc đến sự phát hiện của Philippe Troussier. Đây là một cầu thủ mà có khả năng thay đổi cục diện trận đấu. Và đấy là điều rất hiếm ở bất kỳ đâu.

- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi.

Henrique Calisto: HLV mới cần ít nhất 4 năm Chia sẻ riêng với Zing, cựu thuyền trưởng tuyển Việt Nam cho rằng người kế vị huấn luyện viên Park Hang-seo cần thời gian để thực hiện kế hoạch nâng tầm bóng đá bản địa.

NXB Công Thương giới thiệu cuốn "Triết lý lãnh đạo Park Hang-seo", nghiên cứu những kỹ năng quản trị và phong cách lãnh đạo của ông Park, thứ đã góp phần tạo nên thành công của ông ở tuyển Việt Nam ngày nay.

Bài liên quan
HLV Troussier: Pháp sẽ trả giá nếu sai lầm trước Morocco
HLV Philippe Troussier chọn tuyển Pháp thắng bán kết nhưng không đánh giá thấp Morocco, nơi ông từng làm việc vào năm 2005.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
HLV Troussier khác ông Park, nhưng phù hợp với bóng đá Việt Nam