Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, công tác tư vấn tuyển sinh phân luồng học sinh những năm gần đây đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ tư vấn trực tiếp và nhà trường còn có hình thức tư vấn trực tuyến trên web. Số lượng sinh viên nhập học thời điểm này so với năm ngoái cao gấp 2 lần.
Những nỗ lực và kết quả của ngành giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi nhận thức của cả phụ huynh và học sinh. Để làm được điều đó các trường nghề đã chứng minh chất lượng những khóa sinh viên ra trường có việc làm ổn định với mức lương hấp dẫn.
Có thể nói học nghề đang là một xu hướng được giới trẻ lựa chọn nhiều trước ngưỡng cửa vào đời và thực tế xã hội đòi hỏi. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, mặc dù nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng tỉ lệ thanh niên thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm phù hợp tương đối cao so với tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước (7,61% so với mức trung bình toàn quốc là 2,25%).
Nguyên nhân chính là kỹ năng của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thay đổi của thị trường lao động. Chính vì vậy, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp nhằm tận dụng năng lực kỹ năng số để cải thiện khả năng làm việc và năng suất lao động của dân số trong độ tuổi lao động, bao gồm nhóm dễ bị tổn thương.
Với quan điểm đó, năm 2021 - 2023, Dự án Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐ-TB&XH đã được thực hiện. Dự án đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu hỗ trợ giải quyết các nhu cầu kỹ năng trước mắt của học sinh, sinh viên và lực lượng lao động hiện tại.
Với việc ưu tiên những người bị hạn chế về tiếp cận cơ hội được đào tạo nhưng phải đối mặt với sự phát triển của kỹ thuật số đang từng ngày ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, nhất là kể từ sau đại dịch, dự án tập trung hỗ trợ các cơ sở GDNN và các khu công nghiệp ở 4 tỉnh. Các tỉnh được hỗ trợ gồm: Thái Nguyên, Quảng Nam, Đồng Nai và Bình Dương, với mục tiêu đào tạo 163 giảng viên nguồn từ 50 cơ sở GDNN.
Theo Tổng cục GDNN, sau hơn hai năm triển khai, Dự án Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường GDNN đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Cụ thể như: Nền tảng học tập trực tuyến đã thu hút hơn 15.100 người dùng kể từ khi ra mắt; gần 3.000 học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp được truyền thông, hướng dẫn học tập trên nền tảng; 31.100 lượt hoàn thành các khóa học và gần 26.000 chứng chỉ đã được cấp cho các khóa học về kỹ năng số đã góp phần nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là lao động di cư tại các khu công nghiệp.