Học sinh hào hứng thi lập trình Robot Enjoy AI

12/01/2024, 19:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 12/1, Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức cuộc thi lập trình Robot Enjoy AI thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương chia sẻ, đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức cuộc thi này. Cuộc thi tập trung vào lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) đòi hỏi các đội phải thiết kế, lập trình cho robot một cách tự động để hoàn thành một số nhiệm vụ.

Tham gia cuộc thi có 25 đội chơi, mỗi đội gồm 5 thành viên. Đây là các học sinh say mê nghiên cứu khoa học và các hoạt động STEM; có kiến thức và kỹ năng tốt trong việc vận dụng kiến thức liên môn, đại diện cho hơn 1.000 học sinh của trường.

Thực tế cho thấy, các đội thi đã làm chủ được thao tác lập trình robot di chuyển hay thực hiện các động tác đấu kiếm, cử tạ, đua xe đạp… Nhiều đội còn chủ động đưa thêm các câu lệnh để điều khiển robot di chuyển một cách hợp lý nhất.

Các em học sinh xuất sắc được nhà trường trao giải sau cuộc thi.
Các em học sinh xuất sắc được nhà trường trao giải sau cuộc thi.

"Cuộc thi thực sự là sân chơi bổ ích, tạo cơ hội để học sinh thể hiện đam mê, sự sáng tạo của mình cũng như những kỹ năng và tinh thần đoàn kết khi làm việc nhóm. Đồng thời các em được bồi đắp tình yêu khoa học của mình", cô Vân Hồng nhấn mạnh.

Nguyễn Anh Tú - học sinh lớp 9A2 Trường THCS Chương Dương cho biết, trong quá trình học, em và các bạn đã được tham gia nhiều bài tập dự án, bài tập mang tính ứng dụng, giải quyết một số vấn đề thực tế. Nhờ đó, em đã tích lũy được kiến thức, kỹ năng trong việc vận dụng kiến thức liên môn, nhất là khi được tham gia cuộc thi hôm nay.

Ban tổ chức trao giải cho Đội cổ vũ chuyên nghiệp nhất tại cuộc thi.
Ban tổ chức trao giải cho Đội cổ vũ chuyên nghiệp nhất tại cuộc thi.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Hồng cũng cho hay, thông qua các phương pháp dạy học như: Học tập theo dự án, học tập qua giải quyết vấn đề và học tập qua thực hiện theo yêu cầu, các hoạt động học tập theo mô hình STEM trở nên sinh động và mang tính thực tế sâu sắc.

Học sinh được tham gia trò chơi, xử lý các thuật toán, kiến thức Khoa học tự nhiên đưa vào bài thi của mình. Các em cảm thấy thích thú hơn trong việc tiếp thu tri thức và vận dụng vào thực tế.

"Do được tiếp cận với các phương pháp giáo dục STEM trong các tiết học, các chủ đề nên dù không có nhiều cơ hội trải nghiệm, cọ xát nhưng học sinh nhà trường khi được tham gia các sân chơi công nghệ đã tiếp cận được kiến thức, kĩ năng công nghệ cao khá nhanh", cô Nguyễn Thị Vân Hồng trao đổi thêm.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Quân - giáo viên môn Vật lý Trường THCS Chương Dương, khi nhận thức được tầm quan trọng của STEM, mỗi nhà trường hay giáo viên sẽ chủ động chọn lựa mảng chuyên môn, phân bổ chương trình để lựa chọn đơn vị kiến thức phù hợp giảng dạy cho học sinh. Ví dụ, ngoài việc tính toán vận tốc và tìm thời gian, quãng đường di chuyển theo lý thuyết, thầy Quân sẽ cùng học sinh tính toán số liệu để lập trình, làm sao để robot chạy.

Bài liên quan
TPHCM: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ GDNN đạt hơn 26%
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ GDNN bình quân hàng năm chỉ mới đạt khoảng 26,19%.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh hào hứng thi lập trình Robot Enjoy AI