Vượt khó hướng mục tiêu xa
Theo mục tiêu tại Quyết định số 2567 của UBND tỉnh Lào Cai, đến năm 2025, khoảng 40% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ học nghề các trình độ. 35% học sinh sau tốt nghiệp tại các huyện 30a, những xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học nghề các trình độ
Cùng với đó, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu có 45% học sinh sau tốt nghiệp THPT tham gia học nghề các trình độ. Tại các huyện 30a, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì 35% học sinh tốt nghiệp THPT học nghề các trình độ.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT của tỉnh Lào Cai vẫn còn gặp khó khăn vướng mắc. Vì thế, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia lao động trực tiếp còn cao.
Kết quả đi học nghề sau THCS còn thấp so với mức bình quân chung toàn quốc (tính cả số học sinh vừa học văn hóa vừa học trung cấp nghề tại Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN-GDTX) chiếm hơn 22%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra khoảng 15%.
Cùng với đó, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT tham gia lao động trực tiếp vẫn chiếm ở mức cao. Số lượng học sinh học nghề các trình độ còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra.
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên, số lượng mã ngành còn ít. Bên cạnh đó, quy mô, các ngành nghề đào tạo tại tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu của người học. Hiện có rất ít ngành nghề, nhất là quy mô đào tạo ngành nghề đáp ứng thị trường lao động công nghệ cao và xuất khẩu lao động.
Buổi tuyên truyền về phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh của trường phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa) thu hút nhiều phụ huynh tham gia. |
“Để công tác phân luồng, hướng nghiệp đạt được mục tiêu của Đề án, Sở sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo để cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc huy động học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia các loại hình học tập” – ông Nguyễn Thế Dũng cho biết.
Theo đó, Sở GD&ĐT giao Hiệu trưởng các trường THCS, trường có học sinh tốt nghiệp THCS thống kê học sinh của đơn vị không tham gia các loại hình học tập bàn giao cho UBND xã, phường, thị trấn trước ngày 15/9 hàng năm để quản lý, định hướng, mở các lớp dạy nghề ngay tại địa phương. Phối hợp tham mưu mở lớp dạy nghề tại địa phương phù hợp với thế mạnh của vùng tăng năng suất lao động.
Tham mưu những chính sách cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng cao tham gia học nghề các trình độ để thu hút người học. Tăng cường công tác truyền thông cho phụ huynh, học sinh tham gia học tập nâng cao dân trí, kỹ năng nghề nghiệp.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị, Hội thảo phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh nhằm hướng dẫn, chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục có học sinh tốt nghiệp THCS, THPT triển khai thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh, đảm bảo chỉ tiêu từng năm. Cùng với đó, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền các em học nghề phù hợp hoàn cảnh, năng lực, thị trường lao động hiện nay” – ông Nguyễn Thế Dũng chia sẻ.