“Cảm hứng ngược”
Cô Thuỷ cũng từng nói với học trò rằng: “Mọi người sẽ không nhìn rõ hành trình gian khó ra sao, nhưng sẽ nhìn thấy các em thành công hoặc thất bại. Vì thế, các em hãy chứng tỏ bản thân”. “Thi thoảng, tôi cho học sinh được trải nghiệm thực tế tại Văn miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, về miền quan họ Bắc Ninh … để các em thêm hiểu biết, hứng thú và yêu thích bộ môn Lịch sử” – cô Thuỷ bật mí.
Gần 20 năm đứng trên bục giảng, cô Thuỷ nhận thấy mình đã thay đổi rất nhiều. Cô nhận ra rằng, tình yêu thương chính là nguồn cảm hứng bất tận khơi nguồn cho những đam mê và sáng tạo, nhất là với bộ môn Lịch sử.
Vì thế, cô luôn cố gắng nỗ lực tự làm mới và hoàn thiện bản thân để mỗi ngày lên lớp, mỗi bài giảng sẽ tạo nên sự hứng thú, hấp dẫn cho học trò, đem đến cho các em những điều tốt đẹp nhất, khơi nguồn sự sáng tạo, giúp học sinh khám phá và phát huy được tiềm năng của bản thân.
“Đôi khi học trò cũng chính là nguồn “cảm hứng ngược” với tôi, để tôi tự hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực sư phạm và đổi mới, sáng tạo trong dạy học để mang đến những bài giảng hay cho các em” – cô Thuỷ chia sẻ và tự hào mình cũng là một trong những nhà giáo đã và đang góp phần tạo động lực và truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.
Nhà giáo dục người Mỹ - William Arthur Ward – từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Hiện nay, nghề dạy học ngày càng có nhiều áp lực và bộ môn Lịch sử vẫn là môn học khó hấp dẫn học sinh, nhưng tôi luôn tin rằng, với lòng yêu nghề, sự tâm huyết và khát khao đổi mới sáng tạo, mỗi chúng ta – những “người thầy truyền cảm hứng” – sẽ góp phần tạo ra những lớp học trò có tri thức và nhân cách.