Khó nhân rộng mô hình đại học chia sẻ

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Được đánh giá mang lại nhiều lợi ích nhưng mô hình đại học chia sẻ khó nhân rộng, triển khai trên thực tế vẫn chưa như mong muốn.

Khác biệt về cơ chế quản trị

Để có thể chia sẻ, kết nối thì giữa các cơ sở giáo dục đại học phải có điểm chung. Thế nhưng hiện nay, cơ chế quản trị của các trường vẫn còn nhiều điểm khác nhau, dẫn đến khó khăn khi đi vào thực tế. Cho đến nay, những khởi động, ký kết về đại học chia sẻ của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) hầu hết đều còn nằm trên giấy hoặc trên ý tưởng.

Lê Ánh Hồng, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường HCMUTE, bày tỏ nuối tiếc: “Nhà em ở Cà Mau. Khi biết thông tin trường ký kết với Trường ĐH Kiên Giang, em dự tính đăng ký học trải nghiệm một vài môn ở Kiên Giang cho gần nhà nhưng tiếc là đến nay chương trình vẫn chưa thể triển khai”.

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) - thuộc nhóm 7 trường đại học khối kỹ thuật - nhiều phần việc đến nay vẫn khó chạy được. PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho biết: Đại học chia sẻ là mô hình hay vì nó cộng hưởng được nhiều nguồn lực của các trường. Tuy vậy, để biến ý tưởng thành thực tế là chuyện còn nhiều bước đi phải tính toán, bàn luận do cơ chế quản trị, thiết kế đơn vị học phần, chất lượng kiểm định chương trình giữa các trường vẫn chưa có độ tương thích nhất định.

“Trường ĐH Bách khoa TPHCM vẫn triển khai và đồng thuận cho sinh viên đăng ký theo học những học phần có độ tương thích cao nhưng số lượng đăng ký không nhiều, chỉ mang tính cá nhân. Thời gian qua, việc công nhận tín chỉ đào tạo giữa các trường chủ yếu trong khối ĐHQG TPHCM với mô hình đào tạo liên ngành, song ngành. Còn với mô hình đại học chia sẻ khác khối, tương đồng ngành thì không nhiều. Sinh viên chưa mặn mà mô hình này vì ngoài không gian, môi trường học tập (bạn bè, thầy cô), yếu tố liên thông giữa chương trình đào tạo cũng là rào cản không nhỏ”, PGS.TS Bùi Hoài Thắng nhìn nhận.

PGS.TS Lê Hiếu Giang - Phó Hiệu trưởng phụ trách HCMUTE - chia sẻ từ thực tế nhà trường: “Sự khác nhau về hình thức đào tạo là một rào cản. Chẳng hạn với ngành Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo theo niên chế và học rất kỹ về con người. Trong khi HCMUTE thì đào tạo theo tín chỉ và tập trung nhiều về kỹ thuật nên khó thống nhất.

Hoặc đối với ngành Quản lý công nghiệp, Kế toán, nếu sinh viên kéo nhau sang Trường ĐH Kinh tế TPHCM học các học phần thì giảng viên của trường sẽ tính thế nào? Bên cạnh đó, học phí giữa các trường cũng chênh lệch, nên khi sinh viên sang học trường khác thì sẽ thu như thế nào, cần bàn bạc kỹ lưỡng”.

Thừa nhận triển khai mô hình đại học chia sẻ còn nhiều rào cản, ThS Trần Nam - Trưởng phòng truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) - cho rằng, ở nước ta về cơ bản các đại học vẫn còn biên giới khá rõ ràng, sự liên kết để sử dụng chung nguồn lực chưa phải là điểm sáng. Các trường đại học trong cùng một hệ thống, hay cùng một chủ đầu tư có tính liên thông cao hơn, còn ngược lại vẫn còn khoảng cách khá xa. “Sở dĩ có thực trạng này vì thiết kế hệ thống của các trường đại học chưa tính đến việc liên kết với trường khác hoặc khác biệt về lợi ích hay thậm chí là sự cạnh tranh”, ThS Trần Nam phân tích.

 Đại học chia sẻ: Khó nhân rộng ảnh 1
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐHQG TPHCM nghiên cứu khoa học.

Bài toán tài chính và áp lực cạnh tranh

Bên cạnh sự khác nhau về cơ chế quản trị, một số cán bộ quản lý, giảng viên còn ngại ngùng trước cái mới, áp lực cạnh tranh và bài toán tài chính trong bối cảnh tự chủ đại học cũng ít nhiều ảnh hưởng đến mức độ mặn mà của các trường. PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, chia sẻ, chính sách tự chủ trong giáo dục đại học mang lại nhiều lợi ích trong việc phát huy sự sáng tạo trong tổ chức, vận hành các hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học; tuy vậy, cũng làm hạn chế sự kết nối giữa các trường.

Sâu xa của sự hạn chế được PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, HCMUTE - chỉ rõ là do áp lực cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục và tâm lý sợ ảnh hưởng đến nguồn thu của giảng viên. Tâm lý của sinh viên luôn thích sự thuận tiện, học gần nơi mình ở và không gian học tập hiện đại. Khi các trường hợp tác, liên kết và xây dựng mô hình đại học chia sẻ ít nhiều có tác động đến giờ giảng của giảng viên (hụt giờ giảng, đồng nghĩa giảm thu nhập).

Thực tế, trong bối cảnh nguồn thu các trường đại học phần lớn vẫn dựa trên học phí, mô hình đại học chia sẻ vẫn còn nhiều thách thức. Bởi nếu triển khai sâu và toàn diện, các trường đồng thuận và liên kết với nhau triệt để thì người học có thể đăng ký học đơn vị học phần, tín chỉ đào tạo ở bất cứ đơn vị nào nếu họ thấy phù hợp. Điều đó chắc chắn sẽ tác động mạnh đến bài toán tài chính các trường.

TS Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM - nhìn nhận: “Khi làm mạnh, làm sâu việc sẻ chia tác động nhiều đến phương thức đào tạo của giảng viên (quản lý lớp, chế độ phúc lợi). Tâm lý “rào chắn” vẫn hằn sâu ở nhiều nơi, nhiều người”.

 Đại học chia sẻ: Khó nhân rộng ảnh 2
Chia sẻ nội lực khoa học và nguồn học liệu sẽ giúp các trường mạnh hơn về hoạt động khoa học

Thiếu hành lang pháp lý

Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống chính sách trong quản lý kinh tế chia sẻ nói chung và đại học chia sẻ nói riêng. Hầu hết văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định liên quan đến kinh tế chia sẻ; còn thiếu các cơ chế, chính sách quy định về quản lý, giám sát hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ; còn thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể, trong đó có lĩnh vực giáo dục đại học. “Chính sách vĩ mô chưa thay đổi kịp với mô hình giáo dục đại học chia sẻ đó là một thực tế phải đối diện”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên Hiệu trưởng HCMUTE) cho hay.

Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, hiện chưa có quy định, quy chế để áp dụng cho các chương trình chia sẻ. Trong đó, các chương trình đào tạo áp dụng chia sẻ nên được kiểm định chất lượng như nhau. Thống nhất và tương đồng với nhau cả về mặt khung thời gian đào tạo, chuẩn đầu ra cho đến các tiêu chuẩn và điều kiện học tập của người học.

Còn TS Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp thì cho rằng, mô hình đại học chia sẻ khó phát triển còn do các quy định chung mang tính ràng buộc nhất định trong việc quản lý nguồn lực và tài sản công chưa được điều chỉnh, sửa đổi kịp thời của cấp có thẩm quyền. Thiếu vắng hành lang pháp lý đã làm ngần ngại bước chân của nhiều đơn vị, dù ai cũng công nhận cái hay của mô hình…

“Bối cảnh chung trước đó chưa xuất hiện điều kiện chín muồi tạo ra thách thức xen lẫn cơ hội để các trường cùng nhau vào cuộc với mô hình đại học chia sẻ, nhưng sau đại dịch thì điều kiện chín muồi đã xuất hiện. Tôi cho rằng cũng có thể có nguyên nhân chưa có các “chủ xướng” đóng vai trò đầu tàu, kết nối, hội tụ và điều phối chung”. - TS Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp

Bài liên quan
4 yếu tố thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học hiệu quả hơn
Trao đổi tại Hội nghị tự chủ đại học năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chỉ ra 4 yếu tố thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó nhân rộng mô hình đại học chia sẻ