- Quan niệm tự chủ đại học chỉ là tự chủ về tài chính và tự chủ tài chính là các trường phải tự túc và Nhà nước sẽ cắt ngân sách. Nhận thức đó trong thời gian qua vẫn xuất hiện ở nhiều nơi nhưng điều đó không đúng. Mục tiêu của tự chủ đại học là phát huy được nội lực, sức mạnh của hệ thống. Tự chủ cũng nhằm phát huy sức mạnh của các đơn vị, cùng đội ngũ giảng viên trong trường. Mục đích cuối cùng là thu hút thêm nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo.
Khi các cơ sở GDĐH sử dụng nguồn lực (dù của xã hội hay Nhà nước) hiệu quả và tốt hơn thì đó chính là nơi mà Nhà nước phải đầu tư nhiều hơn. Khác với tư duy: Nơi nào làm tốt thì không phải cấp ngân sách, nơi nào cần hỗ trợ thì mới cấp. Câu chuyện ở đây không phải là cơ chế “xin, cho” hay hỗ trợ ngân sách, mà chúng ta cần coi các cơ sở GDĐH là nơi tốt nhất, cần nhất để Nhà nước đầu tư. Cho nên, quan niệm khi các trường có khả năng bảo đảm được một phần kinh phí hay toàn bộ chi thường xuyên thì Nhà nước không cấp hoặc cắt giảm ngân sách là không đúng.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34) quy định rất rõ, Nhà nước chỉ thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách, không phải giảm vai trò trong việc cấp ngân sách và đầu tư vào các trường đại học. Tiếc rằng, cơ chế và chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo, chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người học đến nay thực hiện còn yếu.
Trừ lĩnh vực đào tạo giáo viên đã có Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng với nhiều ngành đào tạo khác, trong đó có những ngành đào tạo trình độ sau đại học, nhất là đào tạo tiến sĩ còn rất ít (trừ Đề án 89). Có lẽ, đây cũng là vấn đề vướng mắc lớn nhất trong việc tự chủ đại học.
Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ảnh Internet |
Gỡ khó cho các trường
- Vậy, ngoài vướng mắc trên, các trường còn gặp khó khăn nào?
- Hiện nay, tự chủ đại học cũng có một số vướng mắc: Thứ nhất, việc triển khai các điều kiện tự chủ ở một số cơ sở GDĐH còn gặp khó khăn, thậm chí là chậm trễ như thành lập hội đồng trường, kiện toàn bộ máy lãnh đạo quản lý, tiến hành kiểm định cơ sở GDĐH, xây dựng hệ thống văn bản, quy chế nội bộ theo quy định của Luật số 34. Những chậm trễ, vướng mắc này một phần nằm ở nhận thức và năng lực quản trị đại học. Ngoài ra, còn do sự quan tâm của các cơ quan quản lý trực tiếp trong việc chỉ đạo cơ sở GDĐH thực hiện đúng quy định.
Vướng mắc thứ hai là, các cơ sở GDĐH còn thiếu cơ sở vật chất và năng lực tài chính còn yếu. Thời gian gần đây, số lượng tuyển sinh giảm đối với những ngành đào tạo đặc thù, hoặc đào tạo trình độ cao như tiến sĩ. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ở những lĩnh vực then chốt mà đất nước cần trong thời gian tới; nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế và giáo dục, đào tạo như hiện nay. Trong khi đó, cơ cấu về tài chính của các trường phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu học phí mà ít có được từ các nguồn khai thác khác như hoạt động công nghệ hay dịch vụ...
Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cấp cho lĩnh vực GDĐH thấp hơn nhiều lần so với trung bình của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, kinh phí chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm để các trường phải đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư. Điều này càng khó khăn trong việc phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu để phục vụ cộng đồng.
Thực tế, với những trường có kinh nghiệm tự chủ đang vận hành rất tốt. Song đây chính là nơi mà Nhà nước cần đầu tư. Bởi đầu tư cho GDĐH mang lại lợi ích rất lớn, không phải chỉ trước mắt mà còn lâu dài, trên hết là sự phát triển bền vững của đất nước.
- Bộ GD&ĐT có đề xuất gì để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tự chủ đại học?
- Bộ GD&ĐT đề xuất, Chính phủ chỉ đạo để các bộ, ngành, đặc biệt với Bộ Tài chính - làm sao có lộ trình từng bước nâng tỷ lệ chi ngân sách cho GDĐH. Thống kê cho thấy, chi đầu tư cho GDĐH tính trên GDP chiếm ít nhất 1% GDP ở nhiều quốc gia. Với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỷ trọng chi cho lĩnh vực này cũng gấp nhiều lần so với Việt Nam. Chúng tôi đề xuất, cần có lộ trình tăng trong một vài năm tới, ít nhất bằng với mức trung bình các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng cũng như Luật số 34. Đổi mới cơ chế phân bổ cơ chế tài chính, chứ không phải cắt giảm ngân sách. Khi đổi mới cơ chế tài chính, việc đầu tư sẽ tập trung vào những nơi làm hiệu quả nhất. Chúng ta phân bổ theo cơ chế cạnh tranh, theo năng lực và kết quả hoạt động.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Trong 5 năm tới (giai đoạn 2022 - 2026), định hướng trọng tâm là đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ đại học theo đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước; trong đó tập trung vào một số nội dung như: Tiếp tục đổi mới quản lý Nhà nước, nâng cao năng lực quản trị nhà trường, tăng cường công tác quản lý chất lượng, tăng cường đầu tư, phát triển các nguồn lực.