Khát vọng xây dựng đại học chia sẻ tại Việt Nam

Công Chương - Anh Tú | 03/09/2022, 05:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Mô hình đại học chia sẻ được nhiều cơ sở giáo dục tại Việt Nam theo đuổi trong mấy năm qua và nó được bắt nguồn từ tham vọng “Uber hóa giáo dục”.

“Sự ra đời của đại học chia sẻ là tất yếu để các trường tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi; phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng số đang tạo ra những công nghệ mới trong dạy học, cho phép sinh viên học bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Công nghệ thông tin cũng cho phép các trường chuyển đổi và công nhận tín chỉ mà các em tích lũy dễ dàng...”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhận định.

Đại học chia sẻ: Từ giấc mơ đến hiện thực ảnh 1
Hiệu trưởng 3 Trường ĐH Bách khoa ký kết hợp tác về việc tổ chức các khóa học trao đổi sinh viên. Ảnh: Công Chương - NTCC

Thành quả bước đầu đáng khích lệ

Không chỉ là ý tưởng, chủ trương, những chuyển động đại học chia sẻ đã và đang dần triển khai trên thực tế. Nhiều trường đại học đã thực hiện việc công nhận tín chỉ với trường đối tác ở quốc gia khác. Hệ thống dữ liệu khoa học trực tuyến được khai thác chung... Đơn cử, tại Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Nhật Bản học, Việt Nam học... được công nhận tín chỉ ở các trường đại học đối tác ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Hai Trường ĐH KHXH&NV ở TPHCM và Hà Nội cũng thiết kế các chương trình mà sinh viên có thể đăng ký theo học ở trường còn lại và được công nhận tín chỉ; giảng viên 2 trường cũng có thể được mời trao đổi.

Đặc biệt, thời gian qua một số “liên minh giáo dục” đã hình thành, cùng nhau chia sẻ nguồn lực. Khối 7 trường đại học kỹ thuật gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Thủy lợi, ĐH Xây dựng đã ký hợp tác toàn diện về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục.

Theo đó, các trường nhất trí chia sẻ thông tin nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cùng hợp tác khai thác phòng thí nghiệm ngành/chuyên ngành giữa các trường, xây dựng chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu; Xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu liên ngành, liên trường, thực hiện công bố khoa học chung đặc biệt trong các lĩnh vực: AI, kỹ thuật số, vật liệu mới, an ninh năng lượng, kinh tế tuần hoàn. Người học được khai thác tài nguyên số của 7 trường.

Gần đây, tại Hội nghị quốc tế IEEE về lĩnh vực điện tử và truyền thông (IEEE ICCE – International Conference on Communications and Electronics) diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa), hiệu trưởng 3 trường đại học: Bách khoa – ĐHQG TPHCM, Bách khoa Hà Nội và Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã ký kết hợp tác về việc tổ chức các khóa học trao đổi sinh viên (ngắn hạn và dài hạn).

PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - cho hay, sau khi ký kết, các khoa của 3 trường sẽ ngồi lại bàn về những môn công nhận tín chỉ của nhau, cùng rà soát lại chương trình đào tạo. Đến tháng 12/2022, 3 trường công bố danh sách các môn học công nhận tín chỉ của nhau. Từ đó, sinh viên có thể đăng ký các môn học chung trong hệ thống. Sang năm, các trường sẽ tổ chức trường hè, sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TPHCM sẽ về học ở Đà Nẵng để có trải nghiệm chung...

“Một trong những giá trị của việc ký kết này mang lại là sinh viên có môi trường học tập linh động hơn, không gian học tập được mở rộng hơn thay vì đóng khung trong một trường. Đồng thời, sinh viên có thể lựa chọn môn học và GV của 1 trong 3 trường để có kiến thức tốt nhất cho định hướng nghề nghiệp. Tiếp theo, 3 trường cũng định hướng xây dựng kho học liệu chung, bài giảng chung theo hướng chuyển đổi số. Như vậy, sinh viên sẽ có cơ hội học chung các thầy cô tốt nhất của 3 trường”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dai-hoc-chia-se-tu-giac-mo-den-hien-thuc-post605920.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dai-hoc-chia-se-tu-giac-mo-den-hien-thuc-post605920.html
Bài liên quan
4 yếu tố thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học hiệu quả hơn
Trao đổi tại Hội nghị tự chủ đại học năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chỉ ra 4 yếu tố thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khát vọng xây dựng đại học chia sẻ tại Việt Nam