Cô Trần Thị Hồng Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), đánh giá việc các trường mở rộng thêm nhiều kỳ thi riêng có thể tăng thêm cơ hội cho thí sinh đỗ vào trường đại học mong muốn. Bên cạnh đó, các kỳ thi riêng cũng giúp một số trường đại học đào tạo các ngành đặc thù sàng lọc được thí sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường.
Tuy nhiên, cô Thủy cho hay các kỳ thi này không phải là con đường duy nhất để bước vào cánh cổng đại học. Điều này cũng tương tự đối với phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS. Nhưng nếu thí sinh đã có kế hoạch tham gia các kỳ thi này, các em cần phải chuẩn bị từ sớm, tránh ôm đồm quá nhiều kỳ thi, đợt thi gần nhau, khiến các em áp lực.
Đồng quan điểm với cô Thủy, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, cũng cho rằng vấn đề nằm ở cách sắp xếp kế hoạch của các thí sinh.
“Thông thường các trường tổ chức thi riêng đã có kế hoạch hoặc thông báo từ sớm, nếu có ý định tham gia kỳ thi, các em phải có kế hoạch từ sớm chứ không phải để sát nút mới ôn. Nếu học sinh biết sắp xếp khoa học, có thời gian biểu rõ ràng sẽ không quá áp lực”, thầy Phú chia sẻ.
Theo thầy Phú, hiện tại thời gian không còn nhiều, các em cần lên kế hoạch, thời gian biểu ngay, phân bổ thời gian hợp lý, rõ ràng thay vì áp lực, hoang mang dẫn đến làm gì cũng không hiệu quả.
Cùng với việc ôn thi, các em phải giữ sức khỏe tốt, có thời gian nghỉ ngơi, không nên để bản thân quá căng thẳng.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định nếu xác định sử dụng điểm thi ĐGNL để xét tuyển đại học, thí sinh phải có kế hoạch ôn tập từ sớm. Ít nhất hiện tại, các em phải nắm được kiến thức cơ bản lớp 12, xa hơn là lớp 10, 11.
“Không thể nói thời gian ôn tập bao nhiêu là đủ hay thiếu. Khi các bạn nắm chắc thành quả của việc học, vững vàng kiến thức của chương trình THPT, tích lũy năng lực trong thời gian dài thì các bạn ôn tập từ thời điểm nào cũng như nhau”, ông Thảo nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Thảo cũng khẳng định việc thí sinh ôn thi ĐGNL sẽ không ảnh hưởng đến việc ôn tập THPT.
“Thực chất, bài kiểm tra kiến thức hay bài kiểm tra năng lực đều nhằm mục đích đo lường chuẩn đầu ra chương trình THPT. Thí sinh ôn 2 kỳ thi nhưng thực chất là một. Kết quả tương quan trong những năm gần đây cho thấy những thí sinh đạt điểm cao bài thi ĐGNL đều đạt điểm cao trong kỳ thi THPT. Vì vậy, các em có thể yên tâm ôn tập, chỉ cần lên kế hoạch rõ ràng, khoa học", ông Thảo nói.
Nếu có ý định tham gia các kỳ thi riêng, thí sinh phải có kế hoạch ôn tập từ sớm, tránh áp lực sát nút kỳ thi. Ảnh: Lê Hiếu. |
Dành lời khuyên cho học sinh các khóa sau, cô Thủy nhắn nhủ các em phải sắp xếp kế hoạch từ sớm, không nên để các kỳ thi sát nhau quá mà bị phân tâm nhiều kỳ thi, tăng áp lực, mất chủ động, thiếu khoa học khiến căng thẳng tăng cao.
Ngoài ra, cô Thủy cho rằng việc thông tin của thầy cô trong trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, cũng rất quan trọng đối với thí sinh cũng như các em học sinh.
“Thầy cô phải thông tin, định hướng rõ ràng cho học sinh về những nội dung các em sẽ phải thực hiện trong thời gian cuối năm lớp 12 để tự các em tính toán lộ trình thi cử hợp lý nhất cho mình tránh trình trạng thi dồn dập nhiều kỳ vào những tháng cuối năm học”, cô cho biết.
Đối với kỳ thi IELTS, cả thầy Phú và cô Thủy đều khuyên thí sinh nên thi từ sớm, sau đó chuẩn bị cho các thi các kỳ thi riêng và thi THPT.
“Nếu em nào muốn xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, các em phải có lộ trình chuẩn bị từ lớp 10, thi năm lớp 11, tránh để dồn đến tháng 3, tháng 4 năm học lớp 12 mới bắt đầu thi. Thi IELTS sớm vừa có thể giúp các em tránh được áp lực có quá nhiều kỳ thi dồn sát nhau, lại có thể có cơ hội thi lại nếu điểm IELTS không như mong muốn”, cô Thủy nói.