Khuyến đọc từ việc chỉ ra lợi ích của thói quen đọc sách

Trần Hoà | 12/12/2022, 09:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đầu tháng 12 vừa qua, Lễ trao giải Đại sứ Văn hóa đọc 2022 do Bộ VH,TT&DL tổ chức đã chỉ ra nhiều lợi ích và sáng tạo từ thói quen đọc sách.

Tuy nhiên, văn hóa đọc ở Việt Nam còn nhiều hạn chế - từ nhà trường tới gia đình và xã hội, từ thói quen đến quan niệm. Bởi vậy, khuyến đọc cần đi sâu vào thực tế bằng việc chỉ ra lợi ích từ thói quen đọc sách.

Lan tỏa thói quen đọc sách

Thông tin từ Bộ VH,TT&DL cho biết, qua 5 tháng triển khai và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2022 đã thu hút 1.271.935 học sinh, sinh viên từ 7.869 cơ sở giáo dục của 57 tỉnh, thành.

Nhiều địa phương thực hiện tốt việc phối hợp giữa ngành Văn hóa với ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên để lan tỏa ý nghĩa và nội dung của việc đọc sách đến các trường học - trở thành sinh hoạt ngoại khóa ý nghĩa đối với giáo viên - học sinh - phụ huynh.

Ban tổ chức đã trao các giải tập thể, 2 giải Đại sứ Văn hóa đọc, 6 giải A, 14 giải B, 52 giải C, hơn 200 giải Khuyến khích và giải chuyên đề cho các bài thi xuất sắc nhất. Giải thưởng Đại sứ Văn hóa đọc thuộc về học sinh Nguyễn Thanh Mai (lớp 2A1, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, Nam Định) và Huỳnh Thị Kim Thư (lớp 11B3, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho, Tiền Giang).

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), cho biết: Sau 4 lần tổ chức, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã tạo dựng được thương hiệu trong đời sống văn hóa, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên. Đặc biệt, có sự tham gia của các em khiếm thị hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Ý nghĩa hơn cả, cuộc thi trở thành sân chơi - diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm đọc sách một cách hiệu quả.

Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được chính phủ phê duyệt, nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các sáng kiến, kế hoạch hành động phát triển văn hóa đọc phù hợp với các lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.

Khuyến đọc từ việc chỉ ra lợi ích của thói quen đọc sách ảnh 1
Đọc sách giúp cân bằng giữa chuyên môn và nền tảng văn hóa.

Tuy nhiên, người Việt vẫn bị đánh giá lười đọc sách. Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra số liệu giai đoạn từ năm 2014 - 2019: Tỉ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Năm 2020, do dịch bệnh mà con số này giảm xuống 4,13 đầu sách/người.

“Hơn 400 triệu bản sách phát hành đã có hơn 300 triệu sách giáo khoa, sách tham khảo. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 90 triệu dân Việt Nam, phần sách phổ thông có lẽ chỉ xông xênh 1 đầu sách/người. Chỉ số này chứng minh sức đọc của người Việt cực thấp”, ông Hoàng cho hay.

Đọc sách để bồi đắp văn hóa

Chính vì sức đọc của người Việt quá thấp, thói quen đọc rất tệ nên nhiều hoạt động khuyến đọc được đề ra nhằm thay đổi nhận thức và thói quen đọc sách của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện vấp phải nhiều khó khăn, bởi tư duy của người Việt được xác định là có vấn đề đối với văn hóa đọc.

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương - người hoạt động sôi nổi trong các phong trào khuyến đọc - chia sẻ rằng: Nhiều người không chỉ thắc mắc đọc sách để làm gì, mà còn hỏi đọc sách có ra tiền không? Câu trả lời rất dễ mà lại khó - cái khó ở Việt Nam là mọi thứ đều “quy ra thóc”, mà “thóc” không phải bao giờ cũng là thứ có thể gặt ngay.

Ông Vương cho rằng, cần để người dân biết lợi ích của việc đọc sách. Đọc sách là cách cơ bản để thu hẹp khoảng cách giữa năng lực chuyên môn và hiểu biết, cũng như nền tảng văn hóa nói chung. Điều này giúp cá nhân sống tốt và làm trọn vẹn bổn phận của mình trong nghề nghiệp và đời sống.

“Ở đâu mà văn hóa đọc kém thì ở đó nhận thức cơ bản thuộc về văn hóa nền tảng không tương xứng với học vị, năng lực chuyên môn. Đấy là một điều nguy hiểm cho chính bản thân họ và gia đình, cộng đồng, xa hơn là quốc gia”, ông Vương cho hay.

Lý do - theo ông Vương, bởi vì người dân khi muốn vươn cao đều nhìn những người thành công, thành đạt, người có học vị như “một tấm gương” để mơ ước, mong muốn và khát vọng, hành xử theo.

Khuyến đọc từ việc chỉ ra lợi ích của thói quen đọc sách ảnh 2
Thư viện các trường học cần cải thiện cả nội dung sách và cách bài trí để thu hút học sinh.

Với một con người, không có chuyện cá nhân có nền tảng văn hóa, hiểu biết kém lại có thể trở thành nhà chuyên môn, chuyên gia đỉnh cao. Khi đọc những gì các nhà bác học nổi tiếng thế giới viết sẽ thấy, những bộ óc vĩ đại trong chuyên môn thường là những con người có nhãn quan xã hội và kiến thức văn hóa sâu sắc.

Những ai đã nhận ra khoảng cách đó thì sau khi có năng lực chuyên môn, cho dù đã trưởng thành phải kiên nhẫn học lại từ đầu để bù đắp nền tảng. Sự thiếu hụt nền tảng văn hóa thường dẫn cá nhân làm việc chuyên môn rơi vào bẫy ngã mạn, kiêu ngạo, tuyệt đối hóa chuyên môn trong cả đời sống cá nhân và xã hội - dẫn tới đổ vỡ các mối quan hệ trong chính gia đình, cũng như thu hẹp vai trò cá nhân đối với cộng đồng.

Vì vậy, nhiều người tuy có chuyên môn nhưng lại có nhận thức về giá trị đúng - sai, hợp lý - vô lý, nhân văn - phi nhân văn, công bằng - bất công... rất tệ và thua cả người bình thường.

Ông Vương nhận định, Việt Nam đang không chỉ thiếu các nhà chuyên môn giỏi, mà còn thiếu cả những nhà chuyên môn có nền tảng văn hóa tốt để quốc dân noi theo. Đó là điều tất cả chúng ta cần suy nghĩ, có phương án để cải thiện.

“Khuyến đọc là cách giúp cho thế hệ trẻ (từ mầm non trở đi) có được nền tảng tốt hơn các thế hệ trước, để có thể sống như một người bình thường và làm việc chuyên môn dựa trên nền tảng văn hóa và hiểu biết chung, phù hợp với các giá trị phổ quát của thế giới” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương.

Bài liên quan
Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường
(GDTĐ) - Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường là nội dung tập huấn 2 ngày 15-16/8 cho gần 100 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thư viện đến từ 38 trường học tại huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khuyến đọc từ việc chỉ ra lợi ích của thói quen đọc sách