Kỹ năng sinh tồn là bài học liên tục

Ngọc Trang | 19/07/2022, 13:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ mà còn có thể xảy ra ngay tại nhà ở, trường học, nơi làm việc. Không chỉ dạy trẻ cách phòng chống, cha mẹ cần giúp trẻ có những kỹ năng cơ bản để cứu người khi gặp phải tai nạn này.

Bài học tùy lứa tuổi

Nguyên nhân đuối nước hay xảy ra đối với trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò. Đối với trẻ nhỏ, do tính thích nghịch nước hoặc sự bất cẩn của gia đình. Cho dù, trẻ em biết hay không biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên cũng không lường trước được sự nguy hiểm của tai nạn.

Ngoài ra, môi trường sống xung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em. Ví như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn. Bên cạnh đó, sông, hồ, suối, ao nước... không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm.

Hơn nữa, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người... đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm. Cụ thể như hố tôi vôi, hố lấy đất làm gạch ngói… không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.

Cô Nguyễn Hằng Nga, giáo viên Trường Liên cấp Quốc tế IQ (Hà Nội), chia sẻ, nhà trường thường lồng ghép kiến thức vào để dạy học sinh hiểu về đuối nước. Từ đó, các em mới thấy được sự nguy hiểm mà tự bảo vệ bản thân.

Trong đó, học sinh cũng được học về cách sơ cứu khi gặp trường hợp ngạt nước. Đó là nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc chèo thuyền vớt nạn nhân lên. Tuyệt đối không nên nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi.

Sau đó, đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu lồng ngực không di động, tức là nạn nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo, tức là thổi ngạt bằng miệng ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.

Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim nạn nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực. Sau đó vừa làm vừa đưa nạn nhân đi bệnh viện.

Nếu nạn nhân còn tự thở, cho nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn vài giờ sau ngạt nước.

Cô Nga cũng cho biết thêm, tùy từng cấp học mà có các bài dạy thích hợp cho các em. Đối với học sinh khối THCS và THPT thì bài cứu nạn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với học sinh tiểu học, khi gặp người bị nạn, giáo viên thường dạy các em hô hào, kêu cứu, tìm kiếm sự trợ giúp trước tiên.

Sinh tồn là bài học liên tục ảnh 1
Ảnh minh họa Internet.

Những lưu ý khi xử trí đuối nước

ThS Nguyễn Hồng Phương, điều dưỡng viên Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết, gia đình, nhà trường cũng cần có những bài học để các em lưu ý trong quá trình sơ cứu nạn nhân đuối nước. Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy. Đây là hành động hoàn toàn sai vì nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân.

Do khi ngạt nước, nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ. Nó sẽ được tống ra ngoài khi hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.

Các nạn nhân ngưng thở ngưng tim thường không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. Vì thế, tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ.

Hằng năm, khi mùa hè đến cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, để lại nỗi đau cho gia đình và cộng đồng. Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ..., mà còn có thể xảy ra ngay tại nhà ở, trường học, nơi làm việc... Vì vậy, mỗi người cần trang bị thêm cho mình kiến thức về cách phòng tránh và kỹ năng xử trí tai nạn đuối nước để vận dụng vào thực tế khi gặp các tình huống này xảy ra.

Cô Nguyễn Hằng Nga chia sẻ, cách phòng tránh tai nạn đuối nước là lưu ý được đặt lên hàng đầu với học sinh. Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên. Đặc biệt, không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm. Khi bơi cũng cần có phao bơi an toàn. Ngoài ra, không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố.

Theo cô Nga, đuối nước xảy ra rất nhanh, chỉ vài phút là trẻ có thể mất cả tính mạng. Vì thế, người lớn cần đảm bảo mọi an toàn cho trẻ.

Nhà trường cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn trẻ nhận biết nguy hiểm để tránh gặp tai nạn này. Bên cạnh đó, nên cho trẻ tập bơi sớm cũng như rèn luyện nhiều cùng gia đình khi có dịp để trẻ đối phó được với các tình huống ở dưới nước.

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, đuối nước chỉ xảy ra khi đi tắm biển, ao hồ… Thực tế, gần đây đã có vụ tai nạn thương tâm với trẻ nhỏ khi sử dụng bể tắm phao mini tại nhà. Vì vậy, tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được. Đối với những nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. - Cô Nguyễn Hằng Nga, giáo viên Trường Liên cấp Quốc tế IQ (Hà Nội)

Bài liên quan
Góp ý, nghiên cứu điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông
Ngày 19/7 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo góp ý Chương trình môn lịch sử cấp Trung học phổ thông điều chỉnh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỹ năng sinh tồn là bài học liên tục