Một hôm tại tòa soạn, Ngô Tất Tố được Tản Đà chiêu đãi. Câu chuyện đang rôm rả, Tản Đà ân cần nói: “Lần này tạp chí tái bản, nhờ ông hỗ trợ một tay”. Ngô Tất Tố vui vẻ: “Tôi xin sẵn sàng viết giúp”. Rượu ngà ngà, Tản Đà bốc lên: “Việc ông giúp xin cứ giúp, nhuận bút tôi xin gửi ông đầy đủ”. Ngô Tất Tố cũng chếnh choáng: “Đệ giúp huynh chứ tiền nong cái gì, chỗ anh em mà”.
Tản Đà gật gù: “Ông không lấy tôi cứ trả. Đó là quyền của bản báo”. Ngô Tất Tố đáp: “Ông có trả, tôi cũng không nhận, đó là quyền của tôi”. Cuộc vui trở thành trận tranh cãi không đâu vì nhuận bút nhưng họ vẫn là cộng sự chí tình.
Nhờ vậy, chỉ thời gian ngắn An Nam tạp chí trở thành tuần báo, phát hành tương đối rộng rãi. Sau mỗi lần tạm dừng rồi tiếp tục, ông luôn có cách quảng cáo rất riêng: “Năm xưa Đinh Mão ta ngơi/ Năm nay Canh Ngọ ta thời lại ra/ Ai về nhắn chị em nhà/ Nhắn rằng ta nhắn, rằng ta ra đời”.
Sự ra đời của An Nam tạp chí, tờ báo mà Tản Đà dành hết tâm huyết đã bắt đầu quãng đời lận đận của ông. Thời kỳ đầu, Tản Đà chưa thiếu thốn lắm nên ông thường đi du ngoạn khắp trong Nam ngoài Bắc. Dần dần, do túng quẫn nên những cuộc đi chơi thường là để trốn nợ hoặc là tìm người tài trợ cho báo.
Long đong nghiệp báo
Khoảng giữa năm 1930, Tản Đà tái bản An Nam tạp chí vì nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép. Lần này, ông hợp tác với một người ở Hàng Gai (Hà Nội) vì nợ ông này mấy trăm đồng. Người này muốn An Nam tạp chí tái bản để thu nợ. Tản Đà lo làm báo, còn ông này thì thu tiền trừ nợ.
Mang tiếng là chủ báo, nhưng lúc này Tản Đà là con nợ. Vì sự rối rắm đó nên cũng chỉ phát hành được 3 số rồi đình bản. Nhưng Tản Đà vẫn quyết tâm mở lại An Nam tạp chí, và cộng tác với Nguyễn Xuân Dương - một nhà nho kiêm chủ hiệu thuốc ở Nam Định. An Nam tạp chí chuyển về Nam Định, ra tuần báo bắt đầu từ số 14 (tháng 12/1930) đến số 24 (tháng 5/1931), được 10 số thì đình bản vì lỗ vốn.
Tản Đà lại hợp tác với Ngô Thúc Dịch, và xin phép chuyển tòa soạn về Hà Nội. Để tránh tiếng, các ông không công bố đình bản mà chỉ nói là tạm dừng để chuyển tòa soạn.
Sau một thời gian tạm ngưng, An Nam tạp chí lại ra đời lần thứ 4 tại số 68 Hàng Khoai - Hà Nội. Lúc này do sức khỏe Tản Đà hơi yếu nên mọi việc chủ yếu do Ngô Thúc Dịch quán xuyến. Mặc dù, báo hoạt động có tín hiệu khá hơn, nhưng phát hành không đều.
Là tuần báo nhưng có tháng chỉ được 2 số hoặc 3 số, có lúc lại ra đến 7 số. Từ số 42, mỗi tháng chỉ còn 1 số chính và 1 số phụ. Đến số 48 (bản phụ), ngày 9/7/1932 thì Tản Đà buộc phải thông báo: “Vì tôi còn thiếu tiền in báo lần trước: Số tiền lên đến 600 đồng bạc, đến nay lo món nợ ấy, thành báo quán bị tịch biên”.
Tản Đà vẫn chưa dừng lại, An Nam tạp chí vẫn tiếp tục xuất bản lần thứ 5 tại số 145 phố Hàng Bông (Hà Nội) nhưng lại in ở Vinh (Nghệ An). Lúc này, báo in khổ nhỏ chỉ bằng nửa lần trước, đánh số lại từ đầu, số 1 ra ngày 1/9/1932.
Nhưng mọi nỗ lực của Tản Đà cũng chỉ kéo dài An Nam tạp chí được thêm 6 tháng. Ngày 1/3/1933 tờ báo lại đình bản và chính thức khép lại hành trình hơn 6 năm vật vã và khốn khổ.
Cuộc sống của Tản Đà vốn nghèo túng lại càng trở nên thiếu thốn hơn, phải chạy ngược xuôi kiếm sống. Có khi người ta thấy ông ở khu Bạch Mai dạy chữ nho. Có lúc ở Hà Đông, đăng quảng cáo lên mấy tờ báo: “Nhận làm thuê các thứ văn vui, buồn, thường dùng trong xã hội”. Năm 1938, ông còn mở cả một phòng đoán số Hà Lạc để xem bói.
An Nam tạp chí ra được 48 số, tuy hoạt động thất thường nhưng thể hiện cách kín đáo lòng yêu nước của Tản Đà. Ông để lại những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử báo chí Việt Nam thuở sơ khai, cũng như các giá trị mà thế hệ sau phải công nhận. Chỉ tính từ năm 1916 - 1939, Tản Đà để lại cho đời hàng nghìn bài báo, trên 30 cuốn thơ, văn cùng những trang dịch thuật.