Định nghĩa nhà báo 'ăn bám, thất nghiệp' là rất tiêu cực

PV | 15/06/2022, 15:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ điển từ ngữ Nam Bộ định nghĩa nhà báo là người không có việc làm, ăn bám gia đình, song theo các chuyên gia, đây là cách định nghĩa rất tiêu cực và không hợp đưa vào từ điển.

Định nghĩa nhà báo là "những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình" nêu trong cuốn Từ điển từ ngữ Nam Bộ của tác giả Huỳnh Công Tín đang gây nhiều tranh luận trái chiều.

Tiến sĩ Huỳnh Công Tín, tác giả cuốn từ điển, giải thích định nghĩa "nhà báo" được hiểu theo nghĩa bóng, không chỉ những người làm nghề báo.

Tác giả đưa từ nhà báo vào cuốn từ điển theo nghĩa "không có công ăn việc làm, báo cha, báo mẹ" để những người vùng miền khác khi nói chuyện với người miền Nam sẽ hiểu rõ hơn, tùy vào ngữ cảnh câu chuyện.

Tuy vậy, lý giải này không thuyết phục được các chuyên gia ngôn ngữ.

Theo thạc sĩ ngôn ngữ học Phan Thế Hoài, không có cơ sở nào để khẳng định trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, người Nam Bộ sử dụng từ nhà báo theo nghĩa “thất nghiệp, ăn bám, báo cha, báo mẹ”. Cách nói này chỉ xuất hiện ở một số ngữ cảnh hẹp, mang tính trêu đùa, giải trí là chủ yếu.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng nghĩa bóng về từ nhà báo với nghĩa tiêu cực như vậy không phù hợp để đưa vào từ điển. Ông khẳng định từ "nhà báo" chỉ có nghĩa gốc, mà theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa là "người chuyên làm nghề viết báo", chứ không có nghĩa chỉ người "thất nghiệp, ăn bám gia đình".

Đồng thời, thạc sĩ Phan Thế Hoài cũng nhấn mạnh từ "nhà báo" không có trong phương ngữ Nam Bộ mà chỉ xuất hiện trong một ngữ cảnh hẹp.

"Phương ngữ là hệ thống ngôn ngữ được dùng cho một tập hợp người nhất định trong xã hội. Cách giải thích nghĩa bóng của tác giả không thuyết phục về mặt chuyên môn", ông Hoài nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, cho biết trong tiếng Việt có những từ "báo đời, báo cô, báo hại" để chỉ người "thất nghiệp, ăn bám gia đình".

"Chữ báo trong 'nhà báo' và báo trong 'báo đời, báo cô, báo hại' nghĩa hoàn toàn khác nhau. Nhà báo phải là từ chỉ một nghề nghiệp", ông Hiệp nói.

PGS.TS Phạm Minh Phúc, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, đơn vị phát hành cuốn sách, cho biết đang cho kiểm tra trên hệ thống về cuốn sách và khi có thông tin đầy đủ sẽ phản hồi đến báo chí.

Từ điển từ ngữ Nam Bộ dày 1.392 trang, có khoảng 20.000 từ. Cuốn từ điển được xuất bản lần đầu năm 2007 (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội) và tái bản năm 2009 (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia).

Từ điển giải thích ngữ nghĩa và dẫn liệu từ lời nói của người Nam Bộ trong cuộc sống. Ngoài ra, tác giả còn trích dẫn tác phẩm văn học của các nhà biên khảo, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng để đưa vào cuốn từ điển.

Bài liên quan
Sốc phản vệ nặng do ong đốt
(GDTĐ) - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu nam bệnh nhân 40 tuổi (Đoan Hùng - Phú Thọ) bị sốc phản vệ nặng do ong đốt.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Định nghĩa nhà báo 'ăn bám, thất nghiệp' là rất tiêu cực