Năng suất lao động hình thành bởi các kỹ năng được rèn luyện từ nhỏ, như kỹ năng phát hiện, giải quyết vấn đề, xác định ưu tiên, lên kế hoạch, tổ chức thực thi kế hoạch được hình thành trong các dự án nhỏ học tập. Các kỹ năng hợp tác, lãnh đạo, khai thác nguồn lực xung quanh để giải quyết và thực thi vấn đề được hình thành từ quá trình làm việc nhóm.
Tuy nhiên, mỗi phương pháp, hình thức dạy học đều có ưu và nhược điểm nhất định, giáo viên cần sử dụng linh hoạt, phù hợp, khoa học, tránh lạm dụng một phương pháp. Đặc biệt, hình thức kiểm tra qua bài thực hành, dự án đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, công sức nên càng cần tần suất phù hợp, tránh học sinh thấy “ngợp” sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Năng lực chuyên môn của giáo viên là yếu tố quyết định đến chất lượng các hình thức đánh giá mới.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các bài kiểm tra thực hành, dự án học tập phải nêu rõ tiêu chí cụ thể để đánh giá phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình môn học. Còn với TS Bùi Thị Thanh Hương, để phát huy hiệu quả hình thức đánh giá mới, nhà trường cần triển khai các giải pháp nâng cao năng lực tổ chức giảng dạy, đánh giá, học tập theo xu hướng này và sự hỗ trợ của công nghệ là chìa khóa quan trọng.
Kế hoạch tổng thể về triển khai các dự án học tập lớn nhỏ trên toàn trường là không thể thiếu nhằm tránh tình trạng nhiều dự án diễn ra trong cùng một khoảng thời gian. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các điển hình mẫu về lớp học, cá nhân thực hiện quá trình học tập, đánh giá tích cực thông qua hoạt động, giúp nhân rộng mô hình tích cực này.