Bùi Văn Quế sinh năm Đinh Dậu (1837), đỗ Cử nhân khoa Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864). Tiếp đó năm Ất Sửu (1865) đỗ Phó bảng. Cuối năm 1865 ông được bổ vào tập sự trong một bộ của triều Nguyễn, sau 1868 nhậm chức Tri huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.
Năm Nhâm Thân (1872) được thăng chức Đồng tri phủ, nhưng vẫn trị nhậm huyện cũ. Vài năm sau đổi về làm quan trong triều rồi dần thăng chức Thị lang bộ Hộ. Năm 1880 ông là quan duyệt quyển chấm thi Tiến sĩ.
Với tài năng và sự liêm chính, năm sau ông được thăng Tham tri bộ Hộ, rồi Tuần phủ Nam - Ngãi - Thuẫn - Khánh (kiêm 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa). Bùi Văn Quế chính là cha của Tiến sĩ Bùi Thức.
Bùi Thức sinh năm 1859, đỗ Cử nhân khoa Bính Tuất (1886), đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp khoa Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái thứ 10, lúc tròn 40 tuổi. Tuy nhiên ông không chịu ra làm quan, dù nhiều lần được đề cử. Ông lấy cớ ở nhà để phụng dưỡng cha mẹ già, mở trường dạy học và viết sách.
Học trò của ông có nhiều người thành đạt, như Cử nhân Văn Lâm (Hà Nam), Cử nhân Phan Duy Tiếp (Sơn Tây). Đặc biệt, có người trưởng tràng là Kép Trà Hoàng Thụy Phương - nhà thơ trào phúng nổi tiếng đương thời.
Bùi Thức có nhiều con trai, con gái đều được dạy dỗ theo nho học và đều đỗ đạt. Ba con trai: Bùi Kỷ đỗ Phó bảng, Bùi Khải, Bùi Lương đỗ Cử nhân. Một bà con gái lấy học giả Trần Trọng Kim.
Giáo sư đầu tiên
Nhà giáo Bùi Kỷ. |
Bùi Kỷ có tên chữ là Ưu Thiên, hiệu là Tử Chương, sinh năm 1888. Ông được cha săn sóc dạy bảo về Nho học, mới bắt đầu đi thi đã đỗ ngay Cử nhân khoa Kỷ Dậu (1909). Năm 1910 vào Huế thi Hội và thi Đình đỗ Phó bảng khi mới 24 tuổi.
Sau đó ông được bổ làm Huấn đạo, nhưng cương quyết từ chối, lấy cớ phải phụng dưỡng ông và cha đều đã già yếu. Sau đó, ông còn tìm học ở các thầy Tân học về Quốc ngữ và Pháp văn.
Năm 1912, Nhà nước bảo hộ Pháp chọn cử ông sang Pa-ri học trường thuộc địa. Hai năm học ở đó, ông có điều kiện tiếp xúc với các nhà cách mạng, kết giao với nhà yêu nước Phan Chu Trinh.
Về nước, ông không chịu ra làm quan, chỉ chuyên dạy học, viết sách, biên khảo, dịch thuật văn học. Từ năm 1917 cho đến Cách mạng tháng Tám 1945, gần 30 năm chuyên dạy hai môn Hán văn và Việt văn bậc trung học, ông không hề ở trong biên chế nhà nước bảo hộ mà chỉ ký hợp đồng hàng năm và dạy các trường tư.
Ông là vị Giáo sư đầu tiên đã dạy ở các trường Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng Pháp chính, Trường Tư thục Thăng Long, Văn Lang, trường Thăng Long do một số tri thức tiến bộ và cách mạng như Phạm Thanh, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp... lập ra và mời ông cùng trực tiếp giảng dạy.
Ngoài công việc của nhà giáo, ông còn tham gia hoạt động văn hóa - xã hội như phong trào truyền bá quốc ngữ, các hoạt động văn hóa cứu quốc trước năm 1945.
Trong kháng chiến chống Pháp, Bùi Kỷ là thành viên của chính quyền Hà Nam và Liên khu Ba, là Ủy viên hành chính kháng chiến Liên khu, Chủ tịch Hội Liên Việt. Năm 1946 ông được Bác Hồ cử làm Phó ban Thanh toán nạn mù chữ, sau làm Trưởng ban Bình dân học vụ toàn quốc, là thành viên của Chính phủ.
Năm 1954, hòa bình lập lại ông là Ủy viên Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới, Hội trưởng Hội Việt - Trung hữu nghị.
Về văn học, ông đã tham gia hiệu đính, giới thiệu biên khảo một loạt các tác phẩm cổ điển Việt Nam như Truyện Kiều, truyện Phan Trần, Trinh Thử, Trê Cóc, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng… Ông cũng dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Tam Quốc chí diễn nghĩa”, “Hồng Lâu Mộng”… Ông để lại bài “Thân thế luận” nổi tiếng đương thời và cho đến ngày nay.
Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Bùi Văn Dị là nhà thơ, nhà giáo, là đại thần trải qua 7 đời vua triều Nguyễn: Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái. Ông được coi là bạn thơ của Vua Tự Đức và các danh sĩ đương thời như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Khuyến, Miên Trinh. Ông từng là một trong số các viên quan được phái làm việc tại trường thi vào năm Tự Đức thứ 28, sung duyệt quyển tuyển chọn nhân tài.