“Đây là việc rất cần thiết để Sở GD&ĐT nắm được ý kiến của cha mẹ học sinh, chuẩn bị cho việc mở cửa trường học khi dịch bệnh dần được kiểm soát”, ông Hữu nói.
Nhiều trường "cửa đóng then cài" trái chỉ đạo của Bộ
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự sốt ruột khi hầu hết các địa phương hiện đã cho trẻ đi học trực tiếp từ lâu. Thậm chí, có người băn khoăn, khó hiểu khi nhiều trường ở Hà Nội vẫn "cửa đóng then cài" đối với trẻ mầm non, tiểu học, lớp 6. Trong khi từ trước Tết Nguyên đán Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương quyết liệt, nhanh chóng cho học sinh tất cả các cấp đi học, không đợi tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Nhiều phụ huynh cũng nêu quan điểm, đến thời điểm này Hà Nội chưa cho học sinh lớp 1-6 đi học là quá vô lý. Các hoạt động đã bình thường trở lại, trẻ đi ăn, đi chơi khắp nơi, riêng đến trường thì không. Trong khi thời gian ở nhà quá lâu sẽ gây ra vô số hệ luỵ, thậm chí là trầm cảm dẫn đến tự tử ở học sinh.
Do đó, theo ý kiến của các phụ huynh này, ngành giáo dục Thủ đô không nên chần chừ hơn nữa trong việc quyết định cho các khối lớp còn lại ở nội thành được đi học trực tiếp.
Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến 16 giờ ngày 1/4, chỉ còn Hà Nội, Hà Nam chưa cho trẻ mầm non đến trường hoặc tạm ngưng dạy học trực tiếp. 61 địa phương khác đã dạy học trực tiếp ở hầu hết các cơ sở giáo dục. Đối với giáo dục mầm non đến nay đã có 61/63 tỉnh/thành phố tổ chức học trực tiếp.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề giáo dục, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội yêu cầu tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp.
"Căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời", lãnh đạo UBND TP.Hà Nội nêu rõ.