(GDTĐ) - Với người Việt, hình tượng Thần Rùa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thần Rùa tượng trưng cho Trời - Đất, Âm - Dương, cho tri thức, cho sự trường tồn.
Linh vật Rùa là biểu trưng cho sự bền vững
Người xưa quan niệm, loài vật trong tự nhiên được phân thành 5 loài: lông trần (đứng đầu là con người), lông vũ (đứng đầu là chim phượng), lông phủ (đứng đầu là kỳ lân), giống có vảy (đứng đầu là con rồng), giống có mai (đứng đầu là con rùa).
Rùa là một trong tứ linh gồm: Long (Rồng) - Ly (Kỳ Lân) - Quy (Rùa) – Phụng (chim Phượng). Nếu ba linh vật còn lại chỉ là huyền thoại thì Rùa là con vật có thật, hội tụ đủ những đặc tính linh thiêng mà không cần phải lắp ghép như các linh vật khác.
Hình Thần Rùa với chiếc mai khum khum như bầu trời, bụng phẳng như mặt đất ứng với thuyết “trời tròn đất vuông”, sống lâu ngàn tuổi. Thần Rùa gắn với giang sơn và vận mệnh của đất nước, phù hộ nhân dân đánh bại kẻ thù xâm lược, giữ gìn cuộc sống an bình.
Trong tín ngưỡng của người Việt, Rùa có vị trí tâm linh cao. So với Long, Phượng, Kỳ Lân, Rùa ít gắn bó mật thiết với vương quyền mà gắn bó với thần quyền, tín ngưỡng.
Từ thế kỷ 2,3 TCN, Thần Rùa - sứ giả của thần Thanh Giang đã xuất hiện giúp cho vua An Dương Vương xây loa thành, lại cho mượn nỏ thần - một phát bắn hàng ngàn mũi tên khiến kẻ địch dù đông cũng khó lòng sống sót. Thế kỷ XV, Thần Rùa - sứ giả của Long quân xuất hiện cho Lê Lợi mượn gươm thần Thuận Thiên “tung hoành trên mọi trận địa, làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía”.
Rùa thần không chỉ có sức mạnh thần thông quảng đại, trừ yêu diệt quái mà còn được xem là vật trân bảo, tầm cỡ quốc bảo. Rùa còn là biểu tượng cho sự tài phú, giàu có.
Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật nhất của loài vật này là sự trường thọ vì loài vật này có thể sống đến cả ngàn năm hay hơn thế nữa. Một con rùa đầy lông, mai rùa bám đầy rong tảo và rêu xuất hiện được xem là điềm báo sự trường thọ viên mãn nhất.
Chính sự trường thọ của rùa khiến người xưa lấy mai rùa làm phương thức để bói toán (gọi là giáp cốt), các vết nứt mảnh rạn của mai rùa do lửa nóng sẽ chỉ ra những sự kiện trong tương lai, báo trước điềm lành, điềm dữ.
Rùa là hợp thể trong quan hệ đối đãi của trời cha - mẹ đất. Với ý nghĩa ấy, trên nhiều đồ thờ, người ta đã thể hiện rùa cuốn thủy (phun nước) để cầu no đủ; rùa đội hạc để cầu sự thanh cao. Trên kiến trúc gỗ, rùa đã có mặt từ cuối thế kỷ 17 trên ván nong đình Thổ Hà, chùa Bút Tháp, rùa đội hạc ở đình Hoàng Xá (Hà Nội).
Đến thế kỷ 18, rùa được thể hiện dưới dạng tứ linh trên chiếc khánh đồng chùa Đại Bi (Hoài Đức, Hà Nội). Với hình thù khối lớn, rùa cho cảm giác về sự vững chắc; với đặc tính sống lâu, rùa là biểu tượng cho sự trường cửu, bất biến. Do đó, người xưa vận dụng hình tượng rùa để dựng bia. Đặt rùa làm đế cho bia sẽ tạo cho bia sự vững bền ổn định.
Những huyền tích về Thần Rùa trong đời sống người Việt
Dân gian có nhiều huyền tích về rùa thiêng. Đặc biệt là vùng đất Hà Nội. Rùa dâng nỏ thần cho vua An Dương Vương ở Cổ Loa; Rùa đội văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu; Rùa đội Kiếm ở Hồ Lục Thuỷ nên đổi tên hồ thành Hồ Gươm.
“Hồ Gươm in bóng tháp rùa - Có cầu Thê Húc có chùa Ngọc Sơn”.
Câu chuyện Thần Kim Quy dạy cho vua An Dương Vương xây thành cổ loa, giúp Vua chống quân xâm lược xuất hiện trong câu ca dao: “Ai về thăm huyện Đông Ngàn - Ghé thăm thành Ốc, Rùa Vàng Tiên xây”.
Dân tộc Thái có truyền thuyết Thần Rùa được đấng tối cao cử xuống dạy cho dân biết cách làm nhà theo hình rùa đứng. Bởi vậy, trên cột thiêng (biểu tượng linh hồn của ngôi nhà, bản mường hay đất nước) bao giờ cũng có hình Thần Rùa - “Pua Tấu”.
Người Bahnar Tây Nguyên có câu chuyện Thần Rùa giúp cua, dâng nước đánh thần Diều gây nạn đại hồng thuỷ.
Người Khơme Nam Bộ, trong lễ cầu mưa bao giờ cũng đào hố cạnh cây bồ đề trong chùa, đặt biểu tượng cá và rùa xuống hố rồi mời thầy cúng hoặc sư đến tụng kinh cầu mưa để cứu vớt chúng sinh thuỷ cư (rùa, cá...) cầu xin các thần linh ban mưa lành xuống. Rùa cũng là sự hoá thân của đức Ca Diếp (Kasyapa), vị tổ thứ nhất trong thần phả của đạo Phật và đạo Hindu.
Thần Rùa còn tượng trưng cho tri thức. Trong Quốc Tử giám, mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ đặt trên lưng một con rùa. Thần Rùa hiện diện trong các đình, miếu, đền… và trên trống đồng có từ 5.000 năm nay.
Trong sách “Thông giám cương mục” của Chu Hy, “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận, “Thông chí” của Trịnh Tiểu đời tống, “Lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh ghi: Từ năm 2352 TCN, Hùng Quốc Vương đã tặng Vua Nghiêu Rùa Thần, trên lưng có khắc chữ “Khoa Đẩu” (chữ Việt cổ, nhìn giống con nòng nọc), chép việc từ khai thiên lập địa trở đi, để giữ tình hoà hiếu giữa hai nước.
Năm 2009, tại Thiên Cổ Miếu, nhân dân vùng đất Việt Trì đã khánh thành tượng Thần Qui cổ bằng đá nặng 4 tấn, mô phỏng Thần Qui có khắc chữ “Khoa đẩu” xưa. Nội dung chữ cũng được giải mã hoàn chỉnh: “Kể từ trời Nam mở vận, dòng họ đầu tiên trong nước là Hồng Bàng, bậc quân Vương thụ mệnh trời đầu tiên là Kinh Dương Vương - là hậu duệ của Thần Nông. Kinh Dương Vương vốn được cha là Đế Minh phong Vương làm chủ Nam Việt, kết duyên cùng Long nữ là Hồng Đăng Ngàn, con gái Động Đình Quân, sinh ra Lạc Long Quân, huý là Sùng Lãm. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là nàng Âu Cơ, sinh ra trăm con trai từ một bọc trứng, ấy là Thuỷ tổ của Bách Việt vậy” (Ngọc phả Việt Vị Đại Vương - La Nội, Hà Tây). Thiên Cổ Miếu cũng là nơi thờ hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thế Lang, đời Hùng Vương thứ 18, dạy hai công chúa của Hùng Duệ Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa.
Sự kiện rước Thần Kim Quy mang trên mình chữ Bách Việt cổ về Thiên cổ Miếu có ý nghĩa tôn vinh giá trị vật chất và tinh thần vĩnh hằng của một đất nước ngàn năm văn hiến. Sự kiện này cũng chứng tỏ rằng: Thần Rùa không chỉ là những giai thoại mà còn là niềm tự hào của người Việt, là cội nguồn và là thần hộ vệ của người Việt trên con đường chấn hưng đất nước.
(Còn tiếp)