Lớp học của bệnh nhi ung thư vẫn "sáng đèn" trong đại dịch

Diệu Huyền | 24/02/2022, 11:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Được sống khỏe mạnh là mơ ước của nhiều bệnh nhân. Đối với các bệnh nhi, đó còn là niềm khao khát được đến trường. Các em nhỏ tại Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh đã may mắn được học tập trong môi trường tràn đầy tình yêu thương.

Sự hình thành và phát triển của lớp học chữ

Lớp học chữ bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh được hình thành năm 2009, với mong ước đem con chữ đến với các em nhỏ bị mắc bệnh ung thư.

Ban đầu lớp học chỉ dạy các em lớp 1, làm sao cho các em biết đọc, biết viết tên của mình là đủ dần dần có những em lớn hơn lớp học bắt đầu mở thêm lớp 2 đến lớp 9. Mô hình dạy học ngay tại phòng bệnh, sau hai năm bệnh viện đã cho phép lớp học sử dụng phòng sinh hoạt chung của khoa nhi làm nơi học tập cố định của các em.

anh-2-chinh.jpg
Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn nguyên giáo viên trường Tiểu học Đuốc Sống (quận 1, TP.HCM).

Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn nguyên giáo viên trường Tiểu học Đuốc Sống (quận 1, TP.HCM) dù đã về hưu nhưng vẫn gắn bó với sự nghiệp dạy học của mình. Với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ cô tìm mọi cách để duy trì lớp học và dốc hết tâm sức vào việc dạy chữ cho các bệnh nhi.

Cô Phấn chia sẻ: “Khi thầy, cô giáo dạy học sẽ thấy được học sinh của mình trưởng thành, còn cô chỉ gắn bó với các em trong khoảng thời gian ngắn vì các em bệnh nặng qua đời. Nhưng đó là những ngày tháng tươi đẹp trong cuộc đời của mỗi bệnh nhi, các em cũng được học như bao bạn cùng trang lứa. Điều nhỏ bé ấy cho cô thấy rằng cuộc sống này có ý nghĩa hơn nữa”.

Duy trì lớp học online trong đại dịch

Bình thường lớp học được diễn ra vào chiều thứ sáu và sáng thứ bảy với 8 thầy cô giáo và khoảng 40 bạn tình nguyện viên, mọi người thay đổi nhau đến lớp.

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hơn nửa năm qua lớp học đã chuyển sang hình thức online vào tối thứ tư và tối thứ bảy hàng tuần do cô Phấn giảng dạy với sự hỗ trợ của 2 bạn tình nguyện viên. Lớp học dạy 2 môn chính gồm Toán và Tiếng Việt theo đúng sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng rất nhiều các hoạt động vui chơi khác.

Việc học online khó khăn nhất vẫn là chất lượng đường truyền, không phải tất cả mọi người đều có kết nối mạng ổn định. Nhưng thuận tiện hơn có thể gọi cho nhau bất cứ lúc nào, còn dạy trực tiếp trên lớp cố định về thời gian, hết giờ cô trò khó có thể gặp nhau.

Cô Phấn cho biết: “Học online có thể giúp cô kết nối tất cả các em bệnh nhi dù đang ở quê, ở phòng trọ hay trong bệnh viện. Với bài tập các em có gì thắc mắc có thể nhắn tin hỏi cô, cô giải đáp hoặc gọi video giảng cho các em hiểu rõ hơn”.

Bên cạnh là một lớp dạy chữ đó còn là nơi để các bệnh nhi và phụ huynh gửi gắm tâm tư tình cảm, nơi cô giáo luôn lắng nghe động viên và giúp đỡ họ.

anh-1-chinh.jpg
Lớp học online duy trì đảm bảo chất lượng giáo dục.

Cô Phấn thường xuyên bảo các bé chụp hình gửi cô vì các em đều là bệnh nhi ung thư cô sợ một ngày nào đó không còn được thấy các em, dù dạy trực tiếp hay dạy online thì vẫn có cảnh chia ly.

Ký ức còn mãi…

Suốt 12 năm qua cô Phấn có rất nhiều kỉ niệm với lớp, mỗi bé là một câu chuyện. Vào tháng 3 năm 2011, cậu bé Phan Anh Trường đứng ngoài cửa nhìn vào lớp học và xin cô Phấn cho mình vào lớp, nhưng khi ấy lớp học chỉ nhận học sinh đến lớp 5 mà em đã học lớp 6 do đó cô Phấn đã từ chối. Nhưng không ngờ các buổi học sau em lại tiếp tục đứng nhìn, mấy tuần liền cô giáo thấy thương đã nhận em vào lớp.

Phan Anh Trường chính thức là học sinh lớp 6 đầu tiên của lớp học chữ, điều làm cô giáo bất ngờ dù cô cho bài Toán hay bài Văn em đều làm một cách nhanh chóng và chính xác.

Thì ra cái ngày em nhận được tin mình là học sinh giỏi cấp tỉnh Bình Định cũng là ngày em biết được kết quả mình mắc bệnh ung thư phải vào thành phố Hồ Chí Minh điều trị, cuộc sống đúng thật là vô thường. Sáu tháng chưa một lần về thăm nhà, tháng 9 năm 2011 bệnh trở nặng khiến em không qua khỏi, khi em mất thầy cô bạn bè thời tiểu học đều đến để đưa tiễn em.

Khoảng hai, ba tháng mẹ Phan Anh Trường lại gọi cho cô Phấn một lần nói rằng rất nhớ em và cô đã an ủi cho mẹ em vui lại.

Cô Phấn luôn là chỗ dựa tinh thần cho các bậc phụ huynh, họ rất quý mến và trân trọng cô đôi khi gửi cho cô những món quà chan chứa tình yêu thương. Nào là một bịch mắm tôm, một bịch cà pháo hay thậm chí là một nhúm hành lá,…Tất cả những món quà đó đều khiến cô Phấn cảm động và trân quý cô thường gọi đó là món quà chân quê, một thứ tình cảm quá lớn bởi họ luôn nghĩ đến cô.

Bạn Minh Luận quê ở Bảo Lộc là tình nguyện viên đã gắn bó với lớp học chữ gần 10 năm nay tâm sự: “Ban đầu mình nghĩ sẽ đóng góp cho lớp học chữ bằng khả năng của mình nhưng thực ra lớp học đã giúp mình về mặt tinh thần, mình cảm nhận được nhiều điều ý nghĩa của cuộc sống.

Mỗi bệnh nhi là một câu chuyện khác nhau được kể trong lớp học, đa số đều kết thúc nhưng vẫn để lại rất nhiều kỉ niệm đẹp”.

Mong rằng đại dịch sẽ sớm qua đi để các bệnh nhi đến bệnh viện được thăm khám một cách chu đáo nhất, lớp học trong bệnh viện sẽ lại cất vang tiếng đọc bài, tập hát, cô và trò có thể trực tiếp nhìn thấy nhau trao cho nhau những tình cảm chan chứa yêu thương không gì có thể thay thế được.

Bài liên quan
Cô gái bị ung thư ở tuổi 28: Hãy biết trận trọng sức khoẻ và thời gian
"Lúc ốm đau mong cầu sức khỏe, lúc ly biệt biết trân trọng thời gian, lúc sa cơ hiểu được lòng người", câu nói này rất đúng và trong hoàn cảnh ngặt nghèo của Lê Vy, trú tại Tây Ninh

(2) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lớp học của bệnh nhi ung thư vẫn "sáng đèn" trong đại dịch