Lớp học kỹ năng nơi cửa Phật

Hồ Phúc | 18/08/2022, 06:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Lớp học kỹ năng tại Phật đường Pháp Tuyền (Đồng Nai) ngoài giúp trẻ nghèo biết đến con chữ, phép tính, còn trang bị nhiều kỹ năng sống cho các em.

Chú trọng dạy kỹ năng sống

Mùa hè hày, tại khu phố 4B, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Đồng Nai) có thêm một lớp học đặc biệt dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đó chính là lớp học tình thương do Đại đức Thích An Thuận (Phật đường Pháp Tuyền) tổ chức. Suốt 2 tháng qua, lớp học đã góp phần mang đến con chữ, giáo dục các kỹ năng sống cho những trẻ khó khăn từ nhiều địa phương đến Đồng Nai mưu sinh.

Tại nhóm rèn chữ thuộc lớp học tình thương Phật đường Pháp Tuyền, em Nguyễn Văn Sơn là học sinh lớn tuổi nhất và có hoàn cảnh đáng thương hơn cả. Bố Sơn mất đã lâu, người mẹ thì bị tâm thần nên em được người anh chị họ cưu mang, chăm sóc. Năm nay dù đã 9 tuổi nhưng Sơn vẫn chưa theo học tại bất kỳ một trường phổ thông nào. Khi biết đến lớp học tình thương tại Phật đường Pháp Tuyền, người thân của Sơn đã đăng ký cho em vào học, giúp em biết đến với con chữ, phép tính.

Sơn cho biết: “Được thầy An Thuận và các cô rèn chữ đến nay con đã bắt đầu biết viết, biết làm phép tính. Con thực sự rất vui vì cuối cùng cũng đã được đi học như các bạn khác”.

Chia sẻ về cậu học trò đặc biệt này, Đại đức Thích An Thuận cho hay: “Những trẻ theo học ở đây đều có điểm chung là gia đình rất khó khăn, nhiều trò theo ba mẹ ở miền Trung vừa vào hay thuộc gia đình khó khăn trên địa bàn. Hoàn cảnh của Sơn khá đặc biệt. Vì vậy trong quá trình dạy tôi và các thầy cô phụ trách lớp rèn chữ luôn quan tâm đến em. Điều đáng mừng là Sơn tiến bộ rất nhanh, sau hơn 1 tháng theo học, trò Sơn đã viết được chữ”.

Hiện tại, lớp học có tổng số 43 học sinh, trong đó có 9 em đang học rèn chữ và 34 em còn lại đang theo học cấp 1, 2 trên địa bàn. Lớp học dạy môn Toán, Tiếng Anh và kỹ năng sống. Ngoài việc ôn tập cho các em đang học từ lớp 1 đến lớp 9, mục tiêu chính của lớp học là dạy những đứa trẻ không có điều kiện học tập tại các trường biết đọc, biết viết, biết làm toán, làm văn và những kiến thức xã hội cần thiết. Ngoài ra, vào những ngày cuối tuần, toàn bộ trẻ theo học tại đây còn được tham gia lớp kỹ năng sống và rèn luyện đạo đức.

“Trong quá trình giảng dạy, lớp được chia làm 3 nhóm, gồm trình độ cấp 1, 2 và nhóm lớp rèn chữ, với sự tham gia của 11 thầy, cô giáo, tình nguyện viên đến từ các trường học, trung tâm trên địa bàn thành phố Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Sau 2 tháng hoạt động trở lại, qua thăm dò ý kiến, phụ huynh của các trò cảm ơn ban tổ chức lớp học nhiều lắm. Nhờ có lớp học này các trò nắm được thêm nhiều kiến thức. Đặc biệt sau quá trình theo học tại lớp kỹ năng sống, các con về nhà còn biết phụ gia đình, lễ phép với cha mẹ, ông bà, hàng xóm”, Đại đức Thích An Thuận nói.

Lớp học kỹ năng nơi cửa Phật ảnh 1
Một buổi học tiếng Anh của trẻ tại lớp học tình thương.

Đong đầy yêu thương

Cũng theo chia sẻ của Đại đức Thích An Thuận, lớp học tình thương tại Phật đường Pháp Tuyền được thành lập vào dịp hè năm 2019. Thời điểm đó, lớp học dạy Toán, Tiếng Anh và môn Thủ công. Tuy nhiên không lâu sau đó, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, lớp đã tạm dừng hoạt động, đến hè năm nay mới mở lại. Thời gian qua, nhiều thầy, cô giáo đang giảng dạy ở các trường học trên địa bàn tỉnh thấy được hoạt động ý nghĩa của lớp học nên cũng đã tình nguyện giảng dạy tại lớp.

Học sinh theo học tại lớp học đặc biệt này dù mỗi em một hoàn cảnh, một trình độ khác nhau nhưng đều nhận được sự quan tâm, yêu thương từ Đại đức Thích An Thuận và các thầy, cô giáo, tình nguyện viên. Nhiều phương pháp giảng dạy được đưa ra để giúp các em theo kịp bạn bè đồng trang lứa. Với học sinh, đây là mái nhà chung với đầy ắp sự yêu thương. Còn với những người đứng lớp, đây không chỉ là hoạt động ý nghĩa, mà còn là những trải nghiệm thú vị và chính lòng yêu mến học trò đã thôi thúc họ không ngừng nỗ lực để hỗ trợ, bồi đắp kiến thức cho trẻ em nghèo.

Thầy Thái Hồng Cường, giảng viên tại Trường Đại học Đồng Nai hiện đang dạy tại lớp học đặc biệt này, chia sẻ: “Lớp học khó khăn ở chỗ là nhiều học sinh khác lớp nên phải chia ra các nhóm giảng dạy, phải xoay vòng liên tục. Tuy nhiên, với tình thương yêu tụi nhỏ, thấy các em có hoàn cảnh khó khăn nên tôi và các thầy cô khác luôn sẵn sàng giúp đỡ. Chứng kiến được sự tiến bộ của từng em trong quá trình học tập, bản thân tôi cảm thấy rất vui”.

Tiếp lời thầy Cường, Đại đức Thích An Thuận chia sẻ: “Hiện tại, tôi đang lấy số đo để may áo trắng phát cho các em, đồng thời vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ mỗi em một chiếc cặp, bút, vở… để bước vào năm học mới. Ngoài ra với sự ủng hộ nhiệt tình của các thầy, cô giáo, của gia đình học sinh, năm học tới đây, tôi sẽ tiếp tục duy trì lớp luyện chữ cho trẻ không có điều kiện đến trường vào buổi tối. Hè năm tới, lớp học vẫn sẽ được mở và giảng dạy môn Toán và Anh văn, với mong muốn tiếp sức thêm cho nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, trú tại phường Trảng Dài (TP Biên Hòa, Đồng Nai), chia sẻ: “Biết tin lớp học tình thương mở lại tôi đăng ký cho 2 đứa con theo học. Trong thời gian hè, theo học ở lớp này các cháu đỡ xem tivi, điện thoại, lại được tăng thêm kiến thức và đỡ tiền thuê thầy cô phụ đạo thêm. Đặc biệt, thời gian học tại đây bé cũng tiến bộ nhiều, lễ phép và biết giúp việc nhà cho mẹ”.

Bài liên quan
Giáo dục tài chính trong trường học - kỹ năng sinh tồn thế kỷ 21
Giáo viên Estonia lồng ghép kiến thức về tài chính trong các môn học phổ thông từ Toán học đến Lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lớp học kỹ năng nơi cửa Phật