Mách bạn bài thuốc làm từ cây hoa cứt lợn

Phạm Hoa | 11/10/2023, 15:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Hoa cứt lợn mọc dại tại nhiều nơi trên khắp cả nước. Trong dân gian, hoa cứt lợn còn được gọi là cỏ hôi, bù xích, cỏ cứt heo...

Theo y học cổ truyền, hoa cứt lợn có vị cay hơi đắng, tính mát nên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu và tiêu sưng.

Hoa cứt lợn đã được dùng làm thuốc chống viêm, phù nề, chống dị ứng trong các trường hợp sổ mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm mũi dị ứng cấp và mạn tính.

Đặc điểm về cây hoa cứt lợn

Cây thân thảo, mọc đứng, cao 25 - 50 cm. Thân hình trụ, phủ lông mềm, màu lục hoặc tím đỏ. Lá mọc đối, có răng cưa tròn, hai mặt có lông rất mịn, mặt dưới rất nhạt, vò ra có mùi hôi.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc đầu cành. Hoa màu tím hoặc trắng. Quả có 5 sống dọc, màu đen. Mùa hoa quả quanh năm.

Trên thế giới, cây cứt lợn có nguồn gốc ở châu Mỹ, sau lan ra các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở châu Á, cây mọc phổ biến ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và một số nơi khác.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang suốt dọc từ vùng núi cao đến các tỉnh trung du và đồng bằng. Thường gặp ở ven đường đi, nương rẫy, bãi sông...

cay-hoa-cut-lon-.png

Cây cứt lợn là một loại thực vật nhỏ có thân mềm, mọc thẳng, hoa màu tím

Tác dụng dược lý

Những kết quả nghiên cứu cho thấy, cây cứt lợn có tác dụng chống viêm rõ rệt, ức chế miễn dịch và kháng histamin. Cây còn có tác dụng gây giãn mạch ngoại biên ở nồng độ thấp và co mạch nhẹ ở nồng độ cao.

Công dụng và liều dùng

Cả cây cứt lợn thường được nấu với quả bồ kết làm nước gội đầu giúp sạch gầu, mượt tóc.

Sau khi đẻ bị rong huyết, lấy 30g cây cứt lợn tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống trong vài ngày.

Dùng ngoài, lá cứt lợn giã đắp làm thuốc chữa vết thương phần mềm.

Năm 1973, cây cứt lợn đã được Khoa Tai mũi họng, bệnh viện Phú Thọ dùng chữa viêm xoang dị ứng với kết quả tốt. Từ kinh nghiệm đó, một số chế phẩm của cây cứt lợn đã được áp dụng ở bệnh viện Việt Nam - Cu Ba và bệnh viện Hai Bà Trưng để điều trị viêm mũi xoang mạn và viêm mũi xoang dị ứng.

Thuốc làm giảm ngạt mũi, giảm viêm và giảm sổ mũi, nhức đầu một cách rõ rệt, không có tác dụng phụ đối với cơ thể người bệnh, có thể dùng thuốc điều trị dài ngày.

cay-hoa-cut-lon-2.png
                                                                      Hình ảnh cây hoa cứt lợn

Các bài thuốc từ cây hoa cứt lợn

Chữa tai chảy máu có mùi hôi: Lá cứt lợn rửa sạch, giã nhỏ hòa với ít dầu lạc, vắt lấy nước nhỏ tai. Ngày hai lần, liền trong một tuần.

Chữa vết thương phần mềm: Lấy lá cứt lợn 50g, lá cây gai 50g, rửa sạch, giã nát, đắp, băng lại.

Chữa viêm xoang bằng hoa cứt lợn: Đây là bài thuốc đơn giản, tiết kiệm mà bạn có thể thực hiện dễ dàng tại nhà. Phương pháp này tương đối an toàn đối với sức khỏe.

Lấy 30 - 50gram lá và hoa cứt lợn tươi, rửa thật sạch với nước muối loãng hoặc 15 - 30g dược liệu khô. Dược liệu tươi hoặc khô sắc cùng 500ml nước sạch, nấu còn lại 200ml, chia 2 lần uống sau bữa ăn 1 đến 2 giờ để tránh kích ứng dạ dày đến khi triệu chứng thuyên giảm.

Trị gàu, giảm ngứa da đầu, làm tóc suôn mượt: Lấy 200g cây tươi đem nấu chung với 20g quả bồ kết nướng, dùng nước này gội đầu 3 lần trong tuần.

Chữa viêm họng: Kết hợp cây cứt lợn và cây kim ngân hoa mỗi vị 20g, cam thảo đất 16g, lá rẻ quạt 6g. Sắc một thang thuốc, chia 2 lần uống hết trong ngày.

Lưu ý khi sử dụng cây hoa cứt lợn

Không dùng cho các trường hợp bị dị ứng với các thành phần của cây cứt lợn.

Dùng dược liệu đúng liều lượng, không nên nấu uống hàng ngày thay thế hoàn toàn cho nước lọc trong thời gian dài.

Tránh nhầm lẫn giữa cây cứt lợn với cây cỏ lào hoặc cây ngũ sắc bởi chúng có tên gọi gần giống nhau.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mách bạn bài thuốc làm từ cây hoa cứt lợn