Mì ăn liền có gây thừa cân béo phì ở trẻ em?

22/12/2021, 11:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, trong mì ăn liền có chứa nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo chuyển hóa, không chỉ gây ra tình trạng thừa cân béo phì mà còn ảnh hưởng tới nhiều vấn đề sức khỏe của trẻ. Vậy ý kiến này có chính xác hay không?

Nguyên nhân gây thừa cân béo phì ở trẻ em

Trẻ bị thừa cân béo phì là do nhiều nguyên nhân phối hợp, tương tác giữa yếu tố môi trường và yếu tố di truyền. Trong đó dinh dưỡng không hợp lý và ít vận động được coi là hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng này của trẻ.

  1. Dinh dưỡng không hợp lý

Trẻ nạp quá nhiều năng lượng, các loại thức ăn nhiều chất đạm, đường, dầu, mỡ sẽ dẫn tới tình trạng năng lượng thu vào nhiều hơn nhu cầu cơ thể trong thời gian dài, làm tăng tích tụ mỡ trong cơ thể, đặc biệt là ở bụng, mông, đùi và vai. Theo đó, trẻ cần từ bỏ thói quen ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt… Bữa ăn của trẻ thay vì chủ yếu là thịt, cá thì các bậc cha mẹ nên thêm rau xanh và trái trái cây để tạo ra sự cân bằng dinh dưỡng.

  1. Lười vận động

Vận động ít hoặc không đủ sẽ khiến hệ thống cơ xương phát triển không toàn diện, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao, cân nặng của trẻ. Theo đó, lười vận động lâu dài sẽ gây dư thừa năng lượng, gián tiếp gây nên bệnh béo phì ở trẻ nhỏ.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ít hoạt động thể chất, tăng hoạt động tĩnh như xem vô tuyến, chơi điện tử… làm giảm tiêu hao năng lượng, tăng tích lũy mỡ. Bên cạnh đó, việc ít vận động cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới trình trạng mất ngủ và làm rối loạn hoạt động các hoóc môn ở trẻ. Trong đó, hoóc môn tăng trưởng có liên quan đến hoạt động tiêu mỡ. Quá trình này diễn ra mạnh nhất vào ban đêm, nếu trẻ mất ngủ sẽ làm giảm tiêu mỡ, giảm sản xuất leptin giúp não có cảm giác no nhưng tăng sản xuất ghrelin, kích thích thèm ăn nên trẻ càng ăn nhiều hơn gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.

Mì ăn liền có phải là nguyên nhân gây thừa cân béo phì ở trẻ em?

Như vậy, có thể thấy có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ. Theo đó, việc cho rằng mì ăn liền là nguyên nhân gây ra tình trạng này ở trẻ là chưa thật sự chính xác.

Một gói mì ăn liền loại thông dụng 75g chứa 40g - 50g chất bột đường; 10g - 13g chất béo và thường không ít hơn 6,8g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300 - 350 Kcal. Trong khi đó, đối với trẻ em nhu cầu khoảng 1320 đến 2800 Kcal mỗi ngày. Nếu chia thành 3 bữa ăn, trung bình trẻ sẽ cần khoảng 400 - 600 Kcal/bữa. Như vậy, rõ ràng một gói mì ăn liền cung cấp 350 Kcal thấp hơn so với nhu cầu cơ thể cần, không thể là nguyên nhân tăng cân được.

Cũng cần nói thêm, sở dĩ nhiều người thường cho rằng ăn mì ăn liền bị tăng cân là do thấy mì ăn liền có thành phần tinh bột (từ vắt mì) là chủ yếu, đồng thời e ngại thực phẩm này chứa nhiều chất béo (từ gói dầu gia vị, dầu chiên trong vắt mì). Thế nhưng, lượng tinh bột trong 1 vắt mì chỉ tương đương lượng tinh bột của 1 bát cơm, bún, phở,… tức là vào khoảng 40 - 50g chất bột đường. Lượng chất béo trong mì ăn liền cũng chỉ khoảng 10g - 13g, trong khi nhu cầu chất béo của trẻ bình thường có thể lên tới 60g/ngày.

Cuối cùng, phải kể tới lý do khiến một số bậc phụ huynh e ngại khi cho con sử dụng mì ăn liền là chứa nhiều transfat (chất béo xấu), làm tăng cholesterol xấu trong máu dẫn tới tăng nguy cơ bị các bệnh về tim mạch sau này. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất mì ăn liền hiện nay đã có thể kiểm soát tốt về hàm lượng chất này phát sinh trong quá trình sản xuất. Một trong số đó chính là sử dụng nguyên liệu để chiên mì là dầu thực vật dạng sệt (bán rắn), có nguồn gốc từ dầu cọ, được tách lọc bằng công nghệ làm lạnh tự nhiên, điều này đã làm hạn chế tối đa việc phát sinh transfat trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, quy trình chiên mì được thực hiện trong hệ thống tự động, khép kín. Trong quá trình đó, mỗi lượt mì đi qua chảo chiên chỉ mất khoảng 2,5 phút và làm hao hụt một lượng dầu nhất định. Do đó, dầu mới sẽ được bổ sung một cách đều đặn, liên tục thông qua hệ thống định lượng tự động. Đồng thời, quy trình chiên mì hiện đại đã giúp kiểm soát nhiệt độ chiên một cách ổn định và rút ngắn được thời gian chiên. Việc kiểm soát nhiệt độ không vượt quá ngưỡng cho phép cũng giúp ngăn chặn phát sinh transfat trong quá trình chiên.

Theo quy định của FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ): nếu sản phẩm có chứa dưới 0,5g transfat/khẩu phần ăn thì sẽ được công bố “0g transfat”. Hiện nay, các sản phẩm mì ăn liền thuộc các nhà sản xuất uy tín tại Việt Nam có hàm lượng transfat dao động chỉ từ 0,01 - 0,04g/khẩu phần ăn và đạt chuẩn công bố “0g transfat” của FDA.

Lời kết: Vì vậy việc tăng cân phụ thuộc phần lớn vào chế độ ăn uống hằng ngày của trẻ đã cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng, giữa năng lượng nạp vào và sử dụng hay chưa, chứ không phải đến từ một loại thực phẩm cụ thể nào đó chẳng hạn như mì ăn liền. Thừa cân béo phì ở trẻ hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với tập luyện thường xuyên. Vì vậy, ngay từ nhỏ, mẹ nên tạo cho bé thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn ngủ điều độ để tránh các nguy cơ gây thừa cân béo phì. Thực đơn hàng ngày của trẻ cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo lượng chất dinh dưỡng và năng lượng đi vào cơ thể phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết:Mì ăn liền có ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mang thai?

PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam -

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mì ăn liền có gây thừa cân béo phì ở trẻ em?