(GDTĐ) - Mùa hè nhiệt độ không khí rất cao cơ thể dễ bị say nắng, say nóng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng thần kinh không hồi phục và có thể tử vong.
Theo Y học hiện đại, say nắng do trung tâm điều hòa nhiệt của con người không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh; thường xảy ra vào xế chiều do có nhiều tia hồng ngoại gây nóng bức. Các triệu chứng xảy ra ngay từ đầu: sốt cao hơn 40 độ C, phiền khát, cơ thể vã mồ hôi, tinh thần uể oải lơ mơ, người mệt mỏi, tiểu tiện sẻn đỏ…, có các dấu hiệu thần kinh (nhất là người bị xơ vữa động mạch).
Theo Y học cổ truyền, say nắng, say nóng gọi là thử ôn, là loại bệnh nhiệt cấp tính phát sinh vào mùa hạ, có triệu chứng chủ yếu của Dương minh vị nhiệt: sốt cao, bực dọc, khát nước, ra nhiều mồ hôi. Nhiệt thịnh ở vị phủ sinh táo kết, tâm phiền, người vật vã khó chịu. Khi kết hợp với các khí: phong, hàn, thấp hoặc ăn nhiều thứ đồ ăn sống lạnh làm thử ôn có chứng hậu kiêm thấp, kiêm hàn thấp…. Bệnh phát đột ngột, diễn biến nhanh, dễ làm tổn thương tân dịch và khí.
Sau đây là một số món ăn bài thuốc trị cảm nắng:
Chè đậu ván: đậu 300g ngâm nước nóng qua đêm bỏ vỏ ngoài, bột sắn dây 30g, lá dứa nếp 20g, giã lọc lấy nước, đường cát vừa đủ nấu chè ăn. Tác dụng: bổ tỳ, lợi thấp hòa trung, trị trúng nắng phát sốt người vật vã…
Chè đậu đen: đậu đen xanh lòng 300g, đường cát vừa đủ nấu chè ăn. Tác dụng bổ huyết, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu…
Cháo đậu xanh: đậu xanh 200 – 300g còn nguyên vỏ, cà dập, nấu nhừ ăn cho thêm muối đường ăn. Tác dụng: thanh nhiệt, giải khát, trừ phiền nhiệt, lợi ngũ tạng…
Canh cà chua: cà chua 2 – 3 trái, trứng gà 1 quả, hành gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Tác dụng: dưỡng âm, mát huyết, thanh nhiệt, giải nắng nóng…
Canh khoai mỡ: khoai mỡ tím 100g, thịt tôm lột 50g, rau ngổ 20g thêm bột nêm, mắm muối vừa đủ nấu canh ăn.
Canh giá đậu: giá đậu 200g, cà chua 1 quả, đậu hủ 30g, thịt heo 20g, hành hoa 10g gia vị mắm muối vừa đủ nấu canh ăn. Cho thịt, cà chua vào xào chín thơm, đổ nước vào đun sôi, đậu hủ, giá đỗ cho sau, thêm gia vị đun sôi trở lại là được. Tác dụng: bổ âm, dưỡng huyết, thanh nhiệt, giải nắng nóng…
Canh rau thập tàng: rau ngót, rau đay, mồng tơi, mảnh bát mỗi thứ 50g, thịt cua đồng 100g nấu canh. Món ăn này có tác dụng: bổ âm, sinh tân dịch, thanh nhiệt, tiêu độc, giải thử thấp…
Cháo bột sắn dây: bột sắn 50g, gạo ngon 100g, thịt heo bằm 50g (cách nấu nấu cháo với thịt chín, sau cho bột sắn gia vị vào sau). Tác dụng: bổ dưỡng, giải khát, giải nóng.
Cháo mướp đắng: mướp đắng 1 – 2 quả thái lát, cúc hoa 30g, gạo ngon 100g, thêm gia vị vừa đủ nấu nhừ ăn cả cái lẫn nước. Tác dụng: thanh nhiệt, trừ phiền nhiệt, mát huyết, sáng mắt…
Ngoài ra, có thể sử dụng một số nước uống như: nước mía, nước dưa hấu, nước rau má, nước chanh, nước khế, nước trà đường và các loại nước trái cây tươi đều tốt.