(GDTĐ) - Gạo nếp là sản vật quý, không chỉ làm ra những món ăn đặc trưng trong những dịp lễ đặc biệt mà còn mang đến rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người.
Gạo nếp được biết đến với tên gọi khác như giang mễ hay nhu mễ. Đây là loại gạo giàu tinh bột, đường các loại, protein, vitamin nhóm B và chất vô cơ…
Theo y học cổ truyền, gạo nếp có vị ngọt, tính ôn, vào tỳ, phế và vị. Các thầy thuốc đánh giá cao tác dụng của gạo nếp khi ích khí, cố biểu chỉ tả, bổ trung, kiện tỳ. Đặc biệt, gạo nếp vị ngọt tính ấm, bổ trung ích khí, dùng chữa tiêu khát, suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, tá tràng... và đặc biệt là chữa bệnh tiểu đường rất hiệu quả.
Các bài thuốc dân gian từ gạo nếp
Gạo nếp hấp rượu vang: Gạo nếp 250g, rượu vang 500ml, trứng gà hai quả. Tất cả cho vào bát to, đem hấp cách thuỷ cho chín, chia ăn vài lần. Dùng để bồi bổ cho người suy nhược cơ thể sau khi bị bệnh nặng.
Gạo nếp mật ong: Gạo nếp 30g tán thành bột mịn, nấu thành dạng hồ loãng, chế thêm 30g mật ong, chia ăn vài lần trong ngày để dùng cho người miệng khát muốn uống nhiều nước, ăn kém, hay nôn và buồn nôn. Phương thuốc này còn có tác dụng lợi mật, giảm đau, dùng cho các trường hợp có cơn đau quặn gan do giun chui lên đường mật.
Cháo gạo nếp hạt sen: Người bệnh mới khỏi, cơ thể suy nhược, lấy gạo nếp, hạt sen lượng vừa đủ, đem nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn sáng và tối.
Cháo gạo nếp táo tàu: Gạo nếp lượng vừa đủ, cho thêm táo tàu đun thành cháo loãng mà ăn. Ngày ăn từ 1 - 2 lần, giúp trị viêm dạ dày mãn tính và loét dạ dày.
Bao tử heo nhồi gạo nếp: Cho gạo nếp lượng vừa đủ vào bao tử heo, nướng khô, giã ra làm viên hoàn để ăn hàng ngày. Cách khác, cho thêm vào gia vị các loại, buộc kín miệng, đem hấp cách thuỷ cho thật chín rồi chia ăn nhiều lần.
Gạo nếp tán hoài sơn: Gạo nếp 500g ngâm nước một đêm, để ráo rồi xao thơm. Hoài sơn 50g, sao vàng. Hai thứ tán thành bột mịn, mỗi sáng dùng 20 - 30g, khuấy đều với nước sôi, thêm chút đường đỏ và hạt tiêu để làm món điểm tâm. Dùng cho những người bị bệnh đường ruột, đại tiện lỏng nát kéo dài, chán ăn, mệt mỏi.
Gạo nếp sắc với gừng: Gạo nếp 20g, sao vàng; gừng tươi ba lát giã nhỏ. Đem hai thứ sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày để chữa nôn mửa không dứt. Cách khác, gạo nếp, mạch môn, đẳng sâm mỗi thứ 12g, bán hạ 6g, cam thảo 4g, nấu nước uống.
Cháo gạo nếp đậu đen: Gạo nếp 100g, đậu đen 30g, hồng táo 30g, đun thành cháo. Mỗi ngày ăn từ 1 - 2 lần, trị thiếu máu do thiếu sắt.
Gạo nếp trộn hoàng liên, dầu vừng: Gạo nếp 100g, nấu thành cơm nếp rồi đốt thành than. Sau đó trộn đều với bột hoàng liên (30g) và dầu vừng, bôi chữa chứng chốc đầu ở trẻ em.
Cháo gạo nếp đậu xanh: Gạo nếp 100g, đậu xanh 50g, nấu cháo ăn để hỗ trợ điều trị chứng tiêu khát của bệnh đái tháo đường. Cách khác, hoa gạo nếp (lúa nếp rang cho nổ trắng ra, bỏ vỏ), vỏ lụa cây dâu (vỏ trắng) mỗi thứ 100g, sắc uống.
Cháo gạo nếp nấu suông: Còn gọi là cháo hoa (lấy gạo nếp, cho thêm nước vào nấu chín) có tác dụng làm mát ruột cho những trường hợp nặng bụng. Nếu nấu nhừ với chân giò hoặc móng giò heo, lõi thông thảo, đu đủ non và lá sung sẽ giúp làm tăng tiết sữa.
Xôi nếp sâm táo: Gạo nếp 250g, đẳng sâm 10g, đại táo 20g, đường trắng 50g. Ngâm đẳng sâm, táo tầu cùng với đường, đổ nước xăm xắp, sau đó sắc cạn trong 30 phút. Gạo nếp đồ thành xôi, xới ra đĩa, gắp đẳng sâm, táo tầu đặt phía trên, thêm một chút nước thuốc đã sắc cạn lên trên cùng. Món này có tác dụng chữa mệt mỏi, mất ngủ, kém ăn, phù thũng…
Ngoài ra, trong dân gian còn dùng cơm nếp nóng để chườm làm thông tắc tia sữa cho sản phụ; cơm nếp nguội giã nhuyễn trộn với bột thuốc để bó gãy xương, bong gân; uống trà gạo nếp rang để chữa chứng phiền khát; ủ men chế cơm rượu hoặc cất rượu nếp cái hoa vàng để ngâm rượu trứng và rượu thuốc để bồi bổ sức khỏe.