Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030 thúc đẩy ngành bán dẫn và AI

18/03/2024, 21:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chiều 18/3, Bộ KH&ĐT, Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta công bố chương trình 'Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024'.

Ngày 18/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), chủ trì họp báo công bố Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 (Vietnam Innovation Challenge). Cuộc họp báo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của nhiều đại biểu tại các đầu cầu quốc tế như Singapore, Mỹ…

Toàn cảnh họp báo.
Toàn cảnh họp báo.

Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Duy Đông cho biết, sự phát triển của công nghệ ngành càng diễn ra với tốc độ nhanh chóng; trong đó, công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển công nghệ hiện đại.

Việt Nam hiện nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo. Ngành bán dẫn ở Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.

Tiếp nối thành công năm 2023, Chủ đề của “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam” 2024 là “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo chinh phục thị trường toàn cầu”. Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 bám sát vào bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam.“Chương trình không chỉ cho thấy tầm nhìn và sự ủng hộ rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy hai lĩnh vực tiềm năng này mà còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược Chính phủ đặt ra”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Bộ KH&ĐT cũng đã phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu tại họp báo.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu tại họp báo.

Ông Rafael Frankel - Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta, Meta tự hào là đối tác tin cậy của Việt Nam. Tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm tập đoàn tại Thung lũng Silicon và trải nghiệm các công nghệ mới nhất tại Meta.

“Chúng tôi mong muốn cùng Chương trình tạo ra một sân chơi trí tuệ nhằm thúc đẩy các ý tưởng và tận dụng các cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Sáng kiến này sẽ góp phần tăng cường tính hội nhập của lĩnh vực công nghệ của Việt Nam trong nền kinh tế số toàn cầu”, ông Rafael Frankel chia sẻ.

Ông Rafael Frankel - Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta.
Ông Rafael Frankel - Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta.
Đại diện các Đại sứ quán có mặt tại sự kiện.
Đại diện các Đại sứ quán có mặt tại sự kiện.

Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 diễn ra với hai chủ đề trụ cột gồm: Tìm kiếm và vinh danh các giải pháp nâng cao chất lượng công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn, với ưu tiên ứng dụng phục vụ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Trụ cột thứ hai là tìm kiếm và vinh danh các giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ cho xây dựng, phát triển doanh nghiệp, gia tăng năng suất công việc. Qua đó hướng đến thúc đẩy tư duy hợp tác, thu hút nguồn lực, xây dựng nền tảng hợp tác đa phương để thiết lập bệ phóng cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thông qua việc tìm kiếm và vinh danh các giải pháp, chương trình sẽ đóng góp vào mục tiêu chung lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, khuyến nghị và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các giải pháp phục vụ nâng cấp cải tiến vận hành doanh nghiệp, cải thiện hiệu suất, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường thế giới.

Chương trình được thiết kế dành cho ba nhóm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, gồm nhóm doanh nghiệp lớn; nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs); nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tổng giá trị giải thưởng của Chương trình lên đến 300.000 USD.

Bài liên quan
Những điểm mạnh của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024 vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố đã cho thấy những điểm sáng, điểm mạnh của Việt Nam trong đổi mới sáng tạo khi có 3 chỉ số đứng đầu thế giới, 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới và nhiều chỉ số cải thiện tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030 thúc đẩy ngành bán dẫn và AI