Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng từng cảnh báo rằng các cuộc tấn công nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu, có thể dẫn đến rò rỉ phóng xạ.
Một vụ rò rỉ phóng xạ sẽ tạo ra một đám mây hạt nhân lan rộng sang lãnh thổ của các thành viên NATO. Hiện nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga.
Đề cập đến việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, các thượng nghị sĩ Mỹ trên lưu ý rằng đây là tiền lệ đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ rằng Moskva chuyển vũ khí hạt nhân ra khỏi biên giới của mình, cảnh báo rằng "đây là mối đe dọa nghiêm trọng" đối với an ninh toàn cầu trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
"Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tới Belarus đã cho thấy sự thờ ơ của phương Tây. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trên thực tế, đây là một động thái rất nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả lớn", những nghị sĩ trên lưu ý.
Cả nghị sĩ Graham và Blumenthal đề xuất rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nào của Nga, Belarus, hoặc phá hủy cơ sở hạt nhân, sẽ dẫn đến sự rò rỉ của các nguyên tố phóng xạ vào lãnh thổ của các nước thành viên NATO và gây ra thiệt hại nghiêm trọng, điều có thể được coi là "một cuộc tấn công vào Liên minh này và đó là lý do để kích hoạt Điều 5".
Điều 5 của NATO quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh và tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ (những) nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy ngay lập tức”.
“Thông điệp của chúng tôi là nếu điều đó xảy ra sẽ dẫn đến một phản ứng mạnh mẽ từ NATO. Và họ sẽ có chiến tranh với NATO”, nghị sĩ Graham nói.
Các thượng nghị sĩ Mỹ trên cũng đề nghị chính quyền của Tổng thống Biden tiến hành các cuộc tham vấn với lãnh đạo của các nước đồng minh khác và các đối tác châu Âu, đồng thời cân nhắc các hành động để giảm thiểu mối đe dọa đối với dân thường và chuẩn bị phản ứng ngoại giao và quân sự “tương xứng với tình hình”.