Còn Trọng Thủy, khi chữ hiếu đã trả xong, luôn day dứt vì sự lừa dối của mình với tình yêu trong sáng của người vợ. Hình ảnh cô độc với khúc nguyện cầu của Trọng Thủy đầy bi kịch, nhưng xứng đáng với những gì chàng đã gây ra. Và điều giá như của quá khứ, khi mối nghiệt duyên đã trở thành mối lương duyên của thời hiện đại, với hình tượng chiếc nhẫn ngọc trai muốn minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu.
Học lịch sử trên sân khấu ballet
Đảm nhiệm các vai chính trong “Hàm Lệ Minh Châu” là những diễn viên gạo cội như NSƯT Phan Lương trong vai Trọng Thủy, “Thiên nga” Thu Hằng trong vai Mỵ Châu, cùng sự tiếp nối trẻ trung của Lệ Thanh, Đức Hiếu, Vũ Anh…
“Hàm Lệ Minh Châu” là sản phẩm đánh dấu sự trở lại của Đoàn Vũ kịch Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sau đợt dịch dài. Cũng trong đợt dịch, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh đã tập luyện và cho ra mắt vở ballet Kiều – lần đầu tiên chuyển thể Truyện Kiều sang ngôn ngữ ballet. Việc khai thác các tác phẩm hồn cốt dân tộc trên nền nghệ thuật hiện đại ballet, đã và đang đem lại hiệu ứng tốt, kéo khán giả đến với sân khấu.
Tổng đạo diễn – Biên đạo múa, NSND Nguyễn Hồng Phong cho biết: “Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm thế nào để kết hợp được nội dung chuyện tình phương Đông với chất liệu múa ballet một cách hiệu quả, tạo nên sự truyền tải hợp lý, ấn tượng với khán giả. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật chuyên môn trên giày mũi cứng, vở diễn còn được đầu tư công nghệ tạo hiệu ứng nghệ thuật thị giác, đem đến cho khán giả những trải nghiệm ấn tượng”.
Trang phục của “Hàm Lệ Minh Châu” cũng được đầu tư một cách kỹ lưỡng, phù hợp với bối cảnh của tác phẩm mà vẫn mang đến nét độc đáo và ấn tượng của hiện đại qua sự “phù phép” của nhà thiết kế trẻ Duy Nguyễn.
Theo NSND Nguyễn Hồng Phong cho hay, vở ballet tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc nên việc đầu tư công phu hơn. Đồng thời, bối cảnh sân khấu cũng được dàn dựng tỉ mỉ kỹ lưỡng, nhằm đem đến những góc nhìn mới cho sân khấu Việt.
Với việc tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc, “Hàm Lệ Minh Châu” không dừng lại ở những ấn tượng nghệ thuật, mà còn truyền tải thông điệp và bài học mang tính lịch sử của dân tộc. Đây cũng là cơ hội để thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh – sinh viên thêm một góc nhìn mới để cảm thụ nghệ thuật thông qua lịch sử, và học lịch sử qua vở ballet nghệ thuật.
Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc sẽ diễn ra đến hết ngày 30/6 tại Đắk Lắk, với sự tham gia của hơn 1000 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 22 đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc. Liên hoan mang đến cơ hội để các nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca múa nhạc có dịp giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp. Qua đó giúp cơ quan quản lý văn hóa, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện tài năng trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo thế hệ kế cận.