Chất liệu dân tộc
Không chỉ thành công ở các triển lãm quốc tế, hoạ sĩ Nguyễn Đại Giang còn tham gia nhiều trưng bày ở trong nước: Tại TP HCM năm 2009, Hà Nội năm 2014 và 2018, Huế năm 2016 và Đà Nẵng năm 2018.
Hơn 30 tác phẩm trong triển lãm làn này tại Hà Nội được sáng tác trên chất liệu sơn dầu và acrylic. Chủ đề các tác phẩm khá đa dạng, từ chân dung, phong cảnh, sinh hoạt, văn hóa, truyền thống…
Lấy cảm hứng từ những hình thức khắc đảo ngược trên các bãi đá cổ ở Sapa, chợ Hà Nội, cà phê phố cổ, sông Hồng… các tác phẩm đều có màu sắc tươi sáng. Qua đó, công chúng thấy vẻ đẹp của nghệ thuật và nhân sinh lạc quan của người Việt. Hoạ sĩ mong muốn thông qua triển lãm này, truyền tải thông điệp cuộc đời vẫn đẹp và đáng sống.
Ở mảng tranh chân dung, bên cạnh những góc nhìn mới lạ về nhân vật nổi tiếng thế giới như Khổng Tử, Leo Tolstoy, Pablo Picaso, William Shakespeare, còn là những bức vẽ sinh động về những người phụ nữ trong cuộc sống đời thường như: Mẹ của họa sĩ, Người đàn bà trên biển, Người đàn bà tay to, Cô gái miền núi…
Nhiều bức vẽ được hoạ sĩ khơi nguồn từ văn hóa dân gian như: Ca trù Hà Nội, Đàn bầu - trăng, Tam cúc, Chơi ô ăn quan… rồi những bức vẽ con giáp cũng đã tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ cho công chúng, bởi những gam màu tươi sáng cùng nét vẽ phóng khoáng.
Dấn thân vào nghệ thuật đảo ngược, họa sĩ Nguyễn Đại Giang tâm niệm rằng “nhìn vào bản ngã của mình và vẽ nó”. Trên nền tảng chất liệu quê hương Việt Nam, ông không ngừng sáng tạo và tìm ra những cái mới của riêng mình. Ông muốn người xem được cảm nhận về nghệ thuật phá cách nhưng chứa đựng tư tưởng sâu sắc của dân tộc - đó là sự bao dung và hòa đồng.
Nghệ thuật đảo ngược là vẽ một hình thể trong tranh có cái đúng có cái sai nhưng cuối cùng vẫn giữ được bản chất của nghệ thuật, một hiện thực hết sức đẹp đẽ. Tuy tranh đảo ngược có sự thay đổi rất lớn ở vị trí mắt, mũi, tay, chân, đằng trước ra đằng sau, bên ngoài thành bên trong, bên trong ra bên ngoài, cái trên biến thành cái dưới, cái to biến thành cái nhỏ… nhưng cuối cùng vẫn là con người ấy, không thể nào là một người khác”.
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang
Đã có lúc Nguyễn Đại Giang phải quên mình là họa sĩ, để rồi gánh vác những giá trị của cố hương hòa vào dòng chảy lớn của hội họa hiện đại. Ở tuổi 78, họa sĩ tiếp tục mang đến những rạng rỡ của nghệ thuật đảo ngược đến với công chúng Thủ đô – để thấy những lẽ sống hiển nhiên, dù đảo ngược nhưng nó vẫn là nó, chứ nó không phải là ai khác.