Mark Barry, một nhà phân tích độc lập về các vấn đề châu Á, cho rằng Mỹ có thể áp thêm các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên, nhưng sẽ không thể ngăn Bình Nhưỡng hợp tác với Mátxcơva.
Năm ngoái, Mỹ cáo buộc Triều Tiên âm thầm chuyển đạn pháo cho Nga. Cả Bình Nhưỡng và Mátxcơva đều bác bỏ cáo buộc này.
Theo các chuyên gia, dù vũ khí và đạn dược của Triều Tiên có thể giúp tăng sức mạnh của Nga trên chiến trường Ukraine, nhưng sẽ không tạo nên tác động mang tính quyết định đối với cục diện cuộc chiến.
“Liệu các vũ khí nhỏ và đạn pháo của Triều Tiên có thể kéo dài nỗ lực của Nga không? Có thể, nhưng sẽ không thể trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi”, bà Jenny Town nói.
Nhà phân tích Mark Barry cho rằng Nga và Triều Tiên sẽ phải xử lý khó khăn về hậu cần, để vận chuyển đạn dược qua hàng ngàn dặm. Việc vận chuyển như vậy có thể mất hàng tháng.
Theo các chuyên gia, ngoài liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, cuộc gặp ngày 13/9 giữa ông Kim và ông Putin còn có thể hướng đến vấn đề lớn hơn, đó là quan hệ liên minh giữa Triều Tiên và Nga, có thể bao gồm cả Trung Quốc.
Bà Town cho rằng Mátxcơva, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh có thể có mục tiêu khác nhau, nhưng ba nước sẽ tăng cường hợp tác để chống lại thứ họ coi là “khối đối ứng” của Washington, Seoul và Tokyo ở Đông Bắc Á.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn gia tăng khi Mỹ tiếp tục tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản, còn Triều Tiên tăng cường phóng thử tên lửa đạn đạo.
Đầu năm nay, Triều Tiên cảnh báo nguy cơ đối đầu hạt nhân sau khi Mỹ điều một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân đến cảng Hàn Quốc.
“Hiện có một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á. Ý tưởng rằng Triều Tiên sẽ đơn phương đồng ý giữa chừng cuộc chạy đua vũ khí để hạn chế phát triển vũ khí của họ là điều không thực tế”, bà Town nhận định.
Sau những cuộc gặp thất bại với chính quyền Trump năm 2019, Triều Tiên càng làm sâu sắc hợp tác với Nga và Trung Quốc, nhất là khi Mátxcơva bị phương Tây áp hàng loạt biện pháp trừng phạt.
Theo các chuyên gia, việc hình thành các nhóm nhỏ có thể dẫn đến leo thang và xung đột kéo dài.
“Điều đó khiến mọi thứ khó khăn hơn, khó vượt qua giới hạn về ý thức hệ hơn. Nó có thể dẫn đến những hành động táo bạo hơn nếu có cảm giác về an ninh tập thể giữa ba quốc gia bị đe dọa”, bà Town nhận định.