GDTĐ - Mỹ lần đầu thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza trong bối cảnh nơi đây cận kề thảm họa nhân đạo do xung đột Israel - Hamas.
Động thái trên được quân đội Mỹ thực hiện ngày 2/3, sau thông báo một ngày trước đó của Tổng thống Joe Biden.
Reuters dẫn thông tin từ quân đội Mỹ cho hay, 3 máy bay vận tải C-130 đã thả hơn 38.000 suất ăn (không bao gồm thịt lợn) dọc theo bờ Địa Trung Hải ở Gaza. Các lực lượng Jordan cũng tham gia hoạt động.
"Chúng tôi đang lên kế hoạch cho các nhiệm vụ thả hàng viện trợ tiếp theo nếu có thể triển khai", vẫn thông tin từ quân đội Mỹ.
Các quốc gia khác như Jordan hay Pháp cũng đã viện trợ cho người dân tahi Dải Gaza theo hình thức này.
Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ bày tỏ hoài nghi về hiệu quả, cho rằng hàng hóa có thể rơi vào tay lực lượng Hamas thay vì người dân. Thực tế, lực lượng Mỹ không có binh sĩ tại thực địa để kiểm soát việc tiếp nhận các gói hàng.
Một quan chức khác nhận định cách thức thả hàng viện trợ sẽ chỉ mang lại hiệu quả hạn chế và không giải quyết được "cốt lõi vấn đề", thêm rằng chỉ có việc mở cửa biên giới ở Dải Gaza mới có thể ngăn chặn tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở dải đất.
Động thái thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza được Mỹ lên kế hoạch sau vụ lực lượng Israel bị tố nổ súng vào dân thường chờ viện trợ khiến nhiều người chết.
Số liệu của cơ quan y tế tại Gaza cho biết xung đột bùng phát vào tháng 10 năm ngoái đã khiến 30.320 người Palestine thiệt mạng và 71.533 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Liên Hiệp Quốc cho biết xung đột cũng khiến 85% dân số Gaza phải di tản trong bối cảnh thiếu thực phẩm, nước sạch và thuốc men. Khoảng 60% hạ tầng tại khu vực bị hư hại hoặc phá hủy.