Bộ Thương mại, Công nghiệp và Kinh tế Nhật Bản nói những mặt hàng không bị hạn chế xuất khẩu cho mục đích quân sự sẽ được kiểm duyệt theo quy định xuất khẩu thông thường. Nhưng nhà chức trách có thể xem xét ý định của người mua, gồm việc có sử dụng nguyên liệu đó để gây trở ngại cho an ninh quốc tế hay không.
Chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có quan điểm ủng hộ hỗ trợ Ukraine, nhưng hiện chỉ giới hạn ở việc cung cấp các trang thiết bị phi sát thương.
Tsuneo Watanabe, chuyên gia tại Tổ chức Hòa bình Sasakawa ở Tokyo, nói Nhật Bản có xu hướng ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng mức độ viện trợ vẫn còn là điều gây tranh cãi.
“Việc Nhật Bản quyết định cung cấp xe tải cho Ukraine cho thấy mọi thứ đang thay đổi. Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có bất kỳ sự đồng thuận chính trị nào xung quanh vấn đề gửi vũ khí sát thương,” ông Watanabe nói.
Nhật Bản là quốc gia mới nhất được Mỹ liên hệ nhằm giúp hỗ trợ Ukraine, đồng thời giảm bớt sức ép đối với chuỗi cung ứng thiết bị và vũ khí quân sự của Mỹ. Hồi tháng 4, Hàn Quốc được cho là đã đồng ý cho Mỹ mượn 500.000 quả đạn pháo cỡ 155mm để Washington gửi tới Kiev.
Theo tờ Japan Times, Nhật Bản có khoảng 22 công ty sản xuất thuốc nổ nhưng chỉ một công ty sản xuất thuốc nổ dạng công nghiệp là Chugoku Kayaku. Công ty này cũng thường xuyên cung cấp vật tư cho quân đội Nhật.
“Chúng tôi chưa nhận được lời đề nghị trực tiếp từ phía chính phủ hay quân đội Mỹ”, đại diện công ty cho biết. Nói về khả năng hợp tác với quân đội Mỹ thông qua trung gian, đại diện công ty cũng khẳng định sẽ không tiết lộ danh tính của khách hàng hoặc đối tác, theo Japan Times.