Khi được hỏi về khả năng ông Shoigu thăm Triều Tiên để thảo luận về việc nhập khẩu vũ khí từ Triều Tiên, ông John Kirby - điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng - không trả lời trực tiếp, nhưng cho rằng có vẻ Nga đang tìm kiếm hỗ trợ từ các quốc gia khác để tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Ahn Eun-ju nhấn mạnh rằng tất cả và bất kỳ hình thức “mua bán vũ khí nào với Triều Tiên đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Các hoạt động kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Triều Tiên dự kiến diễn ra cuối ngày 27/7, bao gồm lễ duyệt binh mà Bình Nhưỡng có thể khoe những tên lửa hạt nhân mạnh nhất của họ.
Triển lãm vũ khí ở Bình Nhưỡng ngày 27/7. (Ảnh: KCNA)
Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên coi sự đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga để cạnh tranh ảnh hưởng khu vực và cuộc xung đột ở Ukraine là cơ hội để Bình Nhưỡng thoát khỏi sự cô lập ngoại giao và tham gia một mặt trận thống nhất chống lại Washington.
Cả Mátxcơva và Bắc Kinh đều phản đối những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên sau hàng loạt vụ thử tên lửa kể từ năm 2022.
Lần gần đây nhất mà Triều Tiên mời đoàn khách nước ngoài dự lễ diễu binh là tháng 2/2018. Cuộc diễu binh khi đó diễn ra với quy mô giảm bớt, không có sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong bối cảnh Triều Tiên đang xúc tiến ngoại giao với Mỹ.
Theo các nhà phân tích, việc nhà lãnh đạo Kim đứng cùng khán đài trung tâm với ông Shoigu và Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lý Hồng Trung trong lễ duyệt binh năm nay sẽ trở thành thành tựu quan trọng để ông gửi thông điệp đến khán giả trong nước, đồng thời là một tuyên bố thách thức Mỹ.