Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, do bão số 10, phía Đông của đoạn kè bị sập khoảng 150m. Năm 2018, UBND huyện Nghĩa Hưng đã đầu tư 2 tỉ đồng để sửa chữa và khắc phục sự cố.
Đến đầu tháng 2/2019, trên tuyến kè này tiếp tục xuất hiện 2 vị trí sạt, sụt lún khác và có chiều hướng lan rộng. Có mặt tại khu du lịch sinh thái Rạng Đông, theo ghi nhận của chúng tôi, 2 vị trí sạt lở cách nhau khoảng 100m.
Cả 2 vị trí (vị trí số 1: K0+60 - K0+100 và vị trí số 2: K0+210 - K0+290), đất đá lót, vải lọc bờ kè bị cuốn trôi tạo thành hố sâu; vỉa hè bị sập, lún sụt; toàn bộ bê tông và gạch block lục lăng bị phá vỡ, dẫn đến hở hàm ếch rộng hơn 1m.
Tường chắn sóng bị sập, lún gẫy thành nhiều đoạn, có đoạn tường còn bị treo do nền đất bị rút. Mái kè xây bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn có dạng hình hộp chữ nhật bị sập hoàn toàn, nằm ngổn ngang. Không những thế, sự cố sạt lở bờ kè còn cuốn trôi, vùi lấp hàng chục cây phi lao mới trồng dưới bãi…
Thời điểm này, ông Nguyễn Hải Hưng - Phó trưởng phòng Công thương huyện Nghĩa Hưng trả lời PV rằng, nguyên nhân gây ra sự cố sạt lở bờ kè là do thấp bãi. Ông Hưng cho biết thêm, bãi cát có sự biến động từ khi Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu) xây dựng và đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, một số nguồn tin từ người dân địa phương lại cho rằng, nguyên nhân khiến đê kè sạt lở là do tình trạng hút cát. Thời điểm đó, PV ghi nhận tại khu vực sạt lở, phía ngoài vùng biển có khoảng 5 chiếc tàu đang khai thác cát.