Nâng chất môn tiếng Anh nhờ chương trình mới

Hiếu Nguyễn | 18/08/2022, 06:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai dạy học tiếng Anh ở các lớp 3, 7 và lớp 10 trên cả nước đạt được mục tiêu nâng chất thông qua chương trình mới.

Kỳ vọng vào sự lột xác trong dạy và học môn Tiếng Anh tiểu học - Cô Lương Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar, Đắk Lắk)

Nâng chất môn tiếng Anh: Kỳ vọng ở chương trình mới ảnh 1
Cô Lương Thị Hồng.

Khi triển khai chương trình mới, tôi rất kỳ vọng vào sự lột xác trong dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là môn Tiếng Anh tiểu học. Khi tham gia tập huấn, hội thảo về sách Tiếng Anh mới, bản thân thấy có nhiều thay đổi cả về nội dung cũng như mục đích hướng đến học sinh. Hy vọng Chương trình 2018 sẽ đem đến một làn gió mới cho người dạy, người học, phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của thầy và trò. Học sinh sẽ học được cách sử dụng tiếng Anh như một công cụ, không chỉ để giao tiếp, mà còn hỗ trợ tìm hiểu, học tập các môn học khác, hay xa hơn phục vụ cho nhiệm vụ học tập suốt đời.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn là giáo viên dạy học ngoại ngữ chưa có nhiều cơ hội được tham gia các lớp bồi dưỡng do chuyên gia nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Vì là chương trình mới nên cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa đồng nghiệp cùng chuyên môn với nhau còn ít; từ đó việc áp dụng dạy chương trình mới gặp nhiều khó khăn. Học sinh ở trường chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ tiếp thu không đồng đều, ý thức học tập một số em vẫn chưa cao nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong giảng dạy.

Phụ huynh đời sống còn nhiều vất vả nên chưa dành nhiều thời gian, sự quan tâm cho việc học của con em mình. Cơ sở vật chất nhà trường chưa đáp ứng đầy đủ theo chương trình mới: Không có phòng bộ môn riêng, phòng Lab, dẫn đến giáo viên chưa tận dụng được hết các nguồn học liệu phong phú; vì vậy chưa thực sự tạo được hứng thú, tiết học chưa được hấp dẫn, sinh động như mong muốn.

Từ thực tế nhà trường, đề xuất, mong mỏi của tôi là được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng các điều kiện để tổ chức dạy học ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018. Tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo nội dung, chương trình, kế hoạch đã được Bộ GD&ĐT ban hành, bảo đảm giáo viên được tập huấn bồi dưỡng sử dụng SGK trước khi được phân công giảng dạy. Tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, môi trường thực tế cho học sinh được sử dụng ngoại ngữ, từ đó nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ và yêu thích việc học hơn.

Quan tâm tính đặc thù trong bồi dưỡng cho giáo viên Tiếng Anh - Cô Đinh Thái Hà, Trường THPT Lương Sơn, Hòa Bình

Nâng chất môn tiếng Anh: Kỳ vọng ở chương trình mới ảnh 2
Cô Đinh Thái Hà.

Chương trình GDPT môn Tiếng Anh năm 2018 được xây dựng theo đường hướng giao tiếp. Trong đó, năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học, kiến thức ngôn ngữ là một trong các phương tiện để hình thành, phát triển các kỹ năng giao tiếp. Nhưng vấn đề là, giáo viên dạy học sinh đủ cả bốn kỹ năng, nhưng khó hướng học sinh phát triển kỹ năng nghe - nói được; bởi khi làm bài kiểm tra, thi cử, đánh giá, nội dung kiến thức chủ yếu tập trung vào ngữ pháp, từ vựng.

Môn Tiếng Anh hiện nay chương trình dài với nhiều từ vựng mới, kiến thức ngữ pháp khó đối với học sinh đại trà, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi vì điều kiện tiếp cận không nhiều. Thời lượng 3 tiết một tuần chưa đủ để học sinh ghi nhớ và thực hành các kiến thức trong bài học, vì số lượng học sinh trong lớp đông. Thời gian cho một tiết học THPT là 45 phút khiến sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh trong giờ học bị hạn chế.

Do đó, tôi cho rằng, để học sinh ghi nhớ, sử dụng được thì số tiết trên tuần cần được tăng thêm. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng cho giáo viên Tiếng Anh để thực hiện chương trình mới cần chú trọng vào đặc thù riêng của từng cấp học cũng như vùng miền, để đưa ra những nội dung và phương pháp bồi dưỡng hiệu quả. Cùng với đó, lựa chọn SGK cần đồng nhất một loại sách cho cả địa phương từ cấp tiểu học lên hết THPT.

Cô Vũ Thị Trang, Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội): Cốt lõi vẫn là giáo viên “tự học”, “tự đào tạo” để nâng chuẩn, đáp ứng chuẩn

Nâng chất môn tiếng Anh: Kỳ vọng ở chương trình mới ảnh 3
Cô Vũ Thị Trang,

Dạy học tiếng Anh theo hướng phát triển năng lực học sinh là dạy học đáp ứng chuẩn đầu ra, chủ yếu đánh giá năng lực tiếng Anh tổng hợp, được biểu hiện cụ thể ở khả năng sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo (4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) và có thể vận dụng ngôn ngữ vào mọi tình huống giao tiếp.

Vì thế, chương trình dạy học định hướng phát triển năng lực tập trung vào việc mô tả chất lượng đầu ra, có thể coi là “sản phẩm cuối cùng” của quá trình dạy học. Chương trình này không quy định nội dung dạy học chi tiết mà quy định kết quả đầu ra mong muốn của quá trình giáo dục, trên cơ sở đó đưa ra những hướng dẫn chung về việc lựa chọn nội dung, phương pháp, tổ chức và đánh giá kết quả nhằm bảo đảm thực hiện được mục tiêu dạy học. Hiện nay, hệ thống các trường ĐH, CĐ cũng như trường phổ thông đánh giá năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) theo Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ.

Hoạt động dạy học tiếng Anh đã được thực hiện tương đối đa dạng bằng việc sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, sử dụng mô hình tiếng Anh cộng đồng, kết hợp các hình thức và phương pháp đánh giá định tính với đánh giá định lượng, đánh giá thời điểm và đánh giá quá trình.

Tuy vậy, giáo viên còn tuân thủ nghiêm ngặt hoạt động được thiết kế trong SGK, chưa có sự linh hoạt và mềm dẻo, vì vậy chưa phù hợp với trình độ nhận thức, năng lực của học sinh. Việc sử dụng quy trình cũng như kỹ thuật dạy học cá nhân kết hợp với dạy học hợp tác, dạy học phân hóa còn có những hạn chế nhất định. Hình thức đánh giá quá trình chưa được thực hiện rõ nét, quan tâm nhiều đến thành tích hơn là phát triển năng lực học tập cho học sinh; rèn kỹ năng đọc và viết nhiều hơn là kỹ năng nghe và nói.

Trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, có thể nói rằng giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Chương trình GDPT 2018, chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Giáo viên phải có năng lực sư phạm mới đáp ứng chương trình này. Vượt qua thách thức này, vấn đề cốt lõi vẫn là “tự học”, “tự đào tạo” để nâng chuẩn và đáp ứng chuẩn.

Tôi mong muốn bộ, ngành tạo điều kiện và tổ chức các chương trình đào tạo chất lượng để nâng cao nghiệp vụ của giáo viên. Đề ra nhiều chương trình, kế hoạch, tổ chức nhiều hội thảo, chuyên đề bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, như: Triển khai chuyên đề, lớp tập huấn và nhiều kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên tập huấn, bồi dưỡng chương trình GDPT, bồi dưỡng giáo viên các môn, tăng cường đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học.

Ngoài ra, mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo giáo viên học tập đạt chuẩn và nâng chuẩn, hiểu rõ về Chương trình GDPT mới và thực hiện theo lộ trình đổi mới. Mỗi năm, sở GD&ĐT có lớp bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Để đáp ứng với yêu cầu của Chương trình GDPT mới, các trường cần bổ sung thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phòng học… Cụ thể: Cấp tiểu học yêu cầu các trường phải có phòng Giáo dục nghệ thuật, phòng Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ. Trường THCS có các loại phòng học bộ môn Tin học, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ, Giáo dục công nghệ. Cấp THPT yêu cầu có các loại phòng bộ môn Công nghệ, Nghệ thuật, Vật lý, Sinh học, Hóa học, Ngoại ngữ.

GS.TS Hoàng Văn Vân - Tổng chủ biên bộ SGK Tiếng Anh “Global Success” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Tạo lập cho học sinh những phương pháp học tập tốt

Nâng chất môn tiếng Anh: Kỳ vọng ở chương trình mới ảnh 4
GS.TS Hoàng Văn Vân.

Năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai dạy học tiếng Anh ở các lớp 3, 7, 10 theo Chương trình GDPT môn Tiếng Anh 2018 trên phạm vi cả nước. Để việc thực hiện chương trình mới có hiệu quả, chúng ta cần lưu ý một số điểm cơ bản sau:

Đối với giáo viên: Thầy cô cần đạt chuẩn năng lực tiếng Anh (bậc 4 đối với giáo viên tiểu học, bậc 5 đối với giáo viên THCS, THPT) và năng lực sư phạm phù hợp với cấp học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Giáo viên cần được tập huấn đầy đủ để thực hiện đúng mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra - đánh giá và sử dụng các trang thiết bị dạy học hiện đại.

Thầy cô cũng phải được bồi dưỡng năng lực thiết kế các hoạt động đánh giá thường xuyên, định kỳ phù hợp, hỗ trợ học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, giáo viên phải bồi dưỡng năng lực đánh giá, sử dụng SGK và các tài liệu dạy học để giúp nhà trường chọn được bộ SGK phù hợp, đáp ứng đầy đủ chuẩn đầu ra cho mỗi cấp học theo quy định của chương trình mới.

Các trường học cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất như lớp học, đồ dùng, thiết bị dạy học, bố trí thời gian lên lớp, thời gian sinh hoạt chuyên môn để thực hiện đúng kế hoạch dạy học của chương trình mới.

Đối với học sinh: Thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ. Toàn cầu hóa vừa tạo ra những cơ hội, vừa đặt ra thách thức đối với mỗi quốc gia, cá nhân. Để có thể cạnh tranh và hội nhập trên phạm vi toàn cầu, học sinh cần liên tục phát triển năng lực, cập nhật kiến thức và rèn luyện kỹ năng của mình. Việc học tập không dừng lại khi học sinh tốt nghiệp phổ thông mà vẫn tiếp tục ngay cả khi các em không theo đuổi con đường học hành. Do đó, cùng với các môn học khác, môn Tiếng Anh cần tạo lập cho học sinh những phương pháp học tập tốt, từng bước định hướng và hình thành cho học sinh thói quen học tập suốt đời.

Có phương pháp học tập tốt sẽ giúp các em phát triển năng lực giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Anh. Học sinh cần phải hình thành các phương pháp chiến lược học tập cơ bản như cách xác định mục tiêu và kế hoạch học tập, cách luyện tập kỹ năng giao tiếp và học kiến thức ngôn ngữ; cách sử dụng SGK, tài liệu học tập, học liệu điện tử, tham gia tích cực và chủ động vào hoạt động học tập tương tác tiếng Anh trong và ngoài lớp học; cách tự đánh giá và điều chỉnh hoạt động, kế hoạch học tập của bản thân phù hợp với năng lực, đặc điểm, điều kiện học tập của cá nhân; để cuối cùng biến việc học tiếng Anh thành nhu cầu tự thân, đạt kết quả học tập tốt nhất.

Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên Tiếng Anh được dạy 4 tiết một tuần trên phạm vi cả nước, nên chắc chắn nhiều trường tiểu học sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là thiếu giáo viên. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là quyết định tăng biên chế giáo viên cho ngành Giáo dục, chúng ta hoàn toàn tin tưởng khó khăn này sẽ được giải quyết và Chương trình GDPT môn Tiếng Anh năm 2018 sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. - GS.TS Hoàng Văn Vân

Bài liên quan
Đề thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chiều ngày 8/7, các thí sinh bước vào thi môn cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với môn Ngoại ngữ. Phụ huynh và thí sinh có thể xem đề thi môn tiếng Anh trên Báo GD&TĐ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng chất môn tiếng Anh nhờ chương trình mới