GDTĐ - Nga đe dọa có thể tịch thu tài sản cá nhân Mỹ nếu Washington tịch thu khối tài sản mà Moscow đang bị phương Tây đóng băng.
Quốc hội Mỹ mới đây thông qua đạo luật cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden tịch thu tài sản thuộc sở hữu của Nga tại các ngân hàng Mỹ để viện trợ cho Ukraine.
Các nước phương Tây đang phong toả khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga, trong đó có khoảng 5 tỉ USD ở Mỹ. Đây là các bước đi nhằm trừng phạt việc Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt sang nước láng giềng Ukraine.
“Chúng ta không thể đáp trả một cách xứng đáng trước hành vi trộm cắp tài sản trắng trợn của Mỹ”, Reuters dẫn tuyên bố từ Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.
Đồng minh thân cận của Tổng thống Putin lý giải: "Rất rõ ràng, chúng ta không nắm giữ nhiều tài sản của chính phủ Mỹ. Vì vậy, câu trả lời chỉ có thể là không cân xứng”.
Thay vào đó, cựu Tổng thống Medvedev đe dọa Moscow có thể tịch thu sản thuộc sở hữu của các cá nhân Mỹ nhưng nằm trong phạm vi phán quyết của Nga.
Ông Medvedev tuyên bố rằng cơ sở pháp lý cho điều này có trong bộ luật dân sự Nga, cho phép Moscow có thể trả đũa khi tài sản tổ chức, cá nhân Nga bị nước ngoài áp đặt một số hạn chế nhất định.
Mặc dù Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật đặt ra cơ sở pháp lý cho việc tịch thu tài sản của Nga, nhưng vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Biden có kế hoạch thực hiện bước đi như vậy hay không.
Washington từ lâu đã thúc đẩy việc chuyển tiền phong toả tài sản Nga cho Ukraine. Ngược lại, các nước châu Âu do dự hơn vì lo ngại những cạm bẫy về kinh tế và pháp lý.
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng đang xem xét các biện pháp có thể xử lý đối với khối tài sản Nga đang bị đóng băng. Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục nghiên cứu kế hoạch sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản phong toả của Nga để viện trợ quân sự cho Kiev.
Moscow trước đó cho biết họ có thể hạ cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ nếu Washington tịch thu tài sản của Nga.
Mối quan hệ giữa hai nước Mỹ - Nga đã xấu đi đáng kể kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt sang nước láng giềng Ukraine hồi cuối tháng 2/2022.