Giúp trò giảm áp lực
Hơn 20 năm giảng dạy tại trường chuyên và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, NGƯT Nguyễn Thị Hạnh, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) bày tỏ quan điểm: Học tập, tiếp nhận kiến thức là quá trình dài, để học sinh không căng thẳng, giáo viên không nên dồn ép học tập ở giai đoạn cuối (cuối kỳ thi học kỳ, thi HS giỏi tỉnh, quốc gia…) sẽ khiến học trò “mệt” về tâm lý.
“Trên thực tế, ở giai đoạn đầu dạy học có giáo viên “nhênh nhang” kiến thức, thời gian nhưng khi sắp thi lại tăng tốc, dồn ép. Điều đó phản khoa học, kém hiệu quả và đặc biệt khiến học sinh “ngán” kiến thức… Mỗi giáo viên cần có lộ trình dạy học, bồi dưỡng dài hơi, “mưa dầm thấm lâu” để học sinh ngấm kiến thức.
Trước các kỳ thi, có thể tổ chức kiểm tra đánh giá nhiều để học sinh được làm quen, tập dượt với các dạng đề, kiến thức và ổn định tâm lý… Gần kỳ thi cần dành thời gian để học sinh thư giãn, tạo sự thoải mái, không áp lực, động viên để tinh thần bước vào kỳ thi nhẹ nhàng nhất…”, cô Hạnh trao đổi.
Dưới góc độ phụ huynh, cô Hạnh cho rằng dù con học trường chuyên hay không cũng không nên kỳ vọng quá lớn. Quan trọng nhất phải nhìn ra năng lực học tập thực tế. Nếu có khả năng học tập tốt thì định hướng phát triển theo con đường học vấn, nếu không mà vẫn ép học tập sẽ dẫn tới quá tải với trẻ.
Trong cuộc sống có nhiều cách để thành công. Một người thợ giỏi còn hơn một thầy tồi. Bố mẹ làm kỹ sư, bác sĩ, lãnh đạo không nhất thiết con cái cũng phải “thành đạt” như vậy. Miễn sao con trở thành một công dân tốt, tự lao động kiếm sống nuôi bản thân, gia đình…
Từ kinh nghiệm của mình trong việc giảm áp lực học tập cho học sinh, cô Nguyễn Thị Thúy, Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trao đổi: Chương trình học trên cả nước như nhau do đó những áp lực trong học tập, thi cử đối với mọi học sinh cơ bản như nhau. Tuy nhiên, cô Thúy khẳng định học sinh ở một số thành phố lớn chịu áp lực nhiều hơn trong các kỳ thi vào 10, bởi số lượng học sinh đỗ vào trường công ít hơn. Số còn lại sẽ phải học trường ngoài công lập, học nghề… Nên việc học và thi chắc chắn áp lực.
Theo cô Thúy, cách tích cực nhất để giảm áp lực học tập đối với học sinh mà người thầy cần làm giúp học sinh yêu môn học, có vậy các em sẽ thấy học tập nhẹ nhàng, hứng thú. Bên cạnh đó, trong một lớp học không thể đặt ra yêu cầu học tập đối với mọi học sinh như nhau. Mức độ đánh giá, phương pháp giảng dạy, yêu cầu cần đạt… cần theo từng nhóm. Làm sao phải phù hợp nhất với năng lực học tập của các em.
Chỉ cần đặt ra yêu cầu “học hết sức mình”. Cần biết chấp nhận năng lực thực tế của từng học sinh bởi mỗi em có giá trị riêng. Cần ghi nhận, biểu dương sự tích cực dù nhỏ nhất, như vậy sẽ giảm áp lực học tập cho học sinh…