Ví dụ, khi muốn tuyển giáo viên thì tiếng nói của tập thể giáo viên phải là quyết định thay vì ý kiến của một người ngoài nhà trường. Đây là một điều rất quan trọng thể hiện tính dân chủ trong nhà trường. Ngành Giáo dục cần rà soát để đề xuất cơ chế về học phí, tự chủ trong cơ sở giáo dục.
Cần những giải pháp lâu dài
Một điểm mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý với Bộ GD&ĐT, đó là chủ động phối hợp với Ủy ban Dân tộc để tổ chức dạy học cho đồng bào dân tộc ít người, ở nội trú hoặc bán trú nhưng học phải hòa đồng. Làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa học sinh vùng sâu, vùng xa với học sinh vùng thành thị. Tuy nhiên, vì các nhiệm vụ phát triển kinh tế trước mắt mà chúng ta chưa chú ý đến việc này.
Ảnh minh họa: Khôi Nguyên. |
Bộ GD&ĐT phải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, bổ sung các nguồn đóng góp tự nguyện trong trường học. Tiếp tục rà soát thực hiện về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, sách tham khảo mà học sinh phải "tự nguyện" xin để được học thêm, đóng góp theo kiểu "cào bằng". Lãnh đạo các địa phương cần rà soát kỹ việc này.
Ngành Giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục. Ví dụ như xây dựng học liệu điện tử, học trực tuyến. Củng cố và thúc đẩy học liệu số như bổ trợ lâu dài. Đẩy mạnh giáo dục STEM, đổi mới quản lý sách giáo khoa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin từ việc sản xuất, phân phối thiết bị, đồ dùng dạy học. Tất cả phải thực hiện kiên quyết và bước qua lợi ích cục bộ.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ đang xây dựng nghị quyết về giá dịch vụ giáo dục theo hướng sự đóng góp của gia đình học sinh là không tăng. Học phí phổ thông cố gắng không tăng, giảm nhanh hơn lộ trình để tiến tới miễn học phí nếu có thể. Đó là phần của phụ huynh học sinh phải đóng. Còn ngân sách chi cho các cơ sở giáo dục phải theo hướng tính đúng, tính đủ. Hàng năm phải tăng theo mức độ phát triển của kinh tế đất nước, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và sẽ cùng toàn ngành cụ thể hóa những chỉ đạo này thành các chỉ đạo cụ thể để triển khai trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo nhằm đạt tới yêu cầu chất lượng, hiệu quả; khắc phục những tồn tại hạn chế, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bộ GD&ĐT trong hội nghị hôm nay đã lắng nghe, ghi chép các ý kiến trao đổi, cũng như các ý kiến gửi đến và sẽ xem xét thấu đáo để chỉ đạo công việc sát thực tế, hiệu quả hơn. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ cùng các cơ quan tham mưu và toàn thể giáo chức học sinh, sinh viên ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, sáng tạo để không ngừng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình, để có kết quả cho một năm học mới tốt nhất.