“Nghe những tàn phai” để thấy vô diện phận người

Trần Hoà | 02/03/2022, 09:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Triển lãm lần thứ 5 của họa sĩ Nguyễn Công Hoài đem đến nhiều sửng sốt, với những chân dung người vô diện trong cõi sống vũ trụ.

Họa sĩ Tào Linh cho rằng: Vẫn là nỗi hoang mang về thân phận con người, những giằng xé nội tâm. Nhưng lần này có vẻ cái nội tâm và nỗi hoang mang đã khác đi. Như thể Nguyễn Công Hoài đang đứng trước một ngã ba lựa chọn. Cuộc sống của họa sĩ vất vả với nhiều gánh nặng. Nhưng đáng kể nhất vẫn là gánh nặng tinh thần mà nghệ sĩ phải mang vác.

Một trong 25 chân dung vô diện của họa sĩ Nguyễn Công Hoài.

Nghệ thuật thấu hiểu nỗi đau

“Từ chiêm nghiệm và mỹ cảm nghệ thuật, “Nghe những tàn phai” có thể được xem như tập hợp của những mảnh gương để mỗi cá nhân soi chiếu và chiêm nghiệm. Triển lãm là trải lòng của họa sĩ để tìm kiếm những đồng điệu, sẻ chia gánh nặng khi chúng ta mang thân phận con người”. Họa sĩ Lương Lưu Biên

Con người trong tranh Nguyễn Công Hoài là những con người vô diện, họ không mang gương mặt rõ rệt nào. Chân dung không có ánh mắt, nụ cười để cho công chúng thấy. Chân dung con người trong tranh của anh là những thân phận nhỏ nhoi, bất lực, trần trụi, đau đớn, đơn độc nhưng cũng ở đó ngời ngợi hiển lộ sự dịu dàng, vị tha, thiết tha với cuộc đời này…

Trong sự tàn phai rỗng mục của những điều ta nhìn thấy lại đang âm thầm sinh sôi, nảy nở nên những vẻ đẹp hư ảo nhưng vĩnh hằng. Bút pháp của Nguyễn Công Hoài trong lần trở lại này lắng đọng và ngẫu hứng. Phải chăng họa sĩ đã chọn cách chấp nhận, đón nhận những trăn trở trong mỹ cảm nghệ thuật?

Họa sĩ Lương Lưu Biên cho rằng, bút pháp nặng tính biểu hiện, mỗi bức của Hoài là một hình hài co lại hay buông xuôi, được tạo hình mờ nhòe như hiện ra từ một hiện thực xa xôi. Thế rồi những nhát đắp dày, cào xước hay bôi xóa như những tra vấn với mỗi thân phận.

Thi thoảng ánh sáng lóe lên, tràn khắp thân thể để làm minh bạch một điều gì đó hoặc dìm tối đi để che đậy, để an ủi cho những nỗi niềm riêng tư khác. Cuộc tra vấn hay cũng chính là tự vấn ấy có lẽ sẽ kết thúc khi họa sĩ đủ mệt và bức tranh dừng ở đó. Có khi nó trọn vẹn mà nhiều khi bức tranh chỉ là một câu chuyện dở dang, để rồi hôm sau nó sẽ được tiếp nối trên một tấm toan khác.

“Nghe những tàn phai” là một triển lãm nghệ thuật, nhưng cũng là cuộc trưng bày nội tâm. Khi nhìn vào những tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Công Hoài, công chúng thấy mọi lằn ranh ấy đều trở nên mờ nhòe, cái hiện diện lúc này chính là vẻ đẹp của sự phai tàn đang lay thức, rung động chúng ta.

Nghệ thuật có thể là phơi bày hay ẩn giấu, nhưng điều cốt yếu vẫn là để con người thấy lòng mình dịu lại trước những nỗi đau bất trắc. Đối diện với những bức tranh của Nguyễn Công Hoài, họa sĩ Lương Lưu Biên nói rằng: “Nếu ai đó hỏi tôi làm thế nào để chế tác tình thương yêu? Tôi sẽ nói rằng, chỉ có một cách duy nhất là nhìn sâu vào niềm đau, nỗi khổ của chính mình và tìm cách hiểu chúng. Nếu không, ta không thể hiểu được những khổ đau của người khác và không thương yêu ai được”.

Ở một góc nhìn khác, cô đơn và đau khổ là một quy luật để mỗi người trưởng thành hơn. Biến cố giúp mỗi người có thái độ ứng xử và nhìn nhận đời sống trầm tĩnh và sâu sắc hơn, để mang lại sự yêu thương, cảm thông với cuộc đời – con người.

Bài liên quan
Hoạ sĩ trẻ X.Lan kể chuyện đời qua từng nét vẽ
(GDTD) – “Mình chưa gặp vấn đề với việc cạn ý tưởng bởi thói quen ghi chép mọi lúc mọi nơi. Đi đường thấy cái gì hay sẽ ghi lại, kể cả lúc mơ ngủ mà tỉnh dậy giữa đêm cũng sẽ mắt nhắm mắt mở tìm điện thoại để ghi lại nội dung giấc mơ.”, X.Lan hài hước chia sẻ với chúng tôi về cách cô được truyền cảm hứng trong những bức vẽ của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nghe những tàn phai” để thấy vô diện phận người