Nghị lực phi thường của nữ sinh mồ côi 'lắm nỗi đau, nhiều bất hạnh'

Hồng Tiến | 30/11/2022, 12:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lớn lên trong cảnh mồ côi và bệnh tật nhưng em Bùi Thị Thương đã nỗ lực vượt lên số phận.

Em Bùi Thị Thương, học sinh lớp 10 chuyên Địa lý, Trường THPT chuyên Vị Thanh (Hậu Giang) khiến nhiều người phải nể phục.

Tuổi thơ bất hạnh

Chúng tôi đến thăm Thương vào một ngày giữa tháng 11. Trong khi bạn bè náo nức tập văn nghệ, vẽ báo tường chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam thì em lại chuẩn bị khăn gói lên TPHCM chữa bệnh. Căn nhà em trọ chật hẹp chưa đầy 10m2, nóng nực, ẩm thấp cùng tiếng ồn từ các phòng trọ bên cạnh khiến không gian ở càng thêm ngột ngạt.

Tuổi thơ Thương chưa có nổi một phút giây hạnh phúc trọn vẹn. Em không biết cha là ai, khi chưa biết bò mẹ em cũng bỏ đi tha hương cầu thực xứ người. Được ông bà ngoại nuôi dưỡng, đến nay cô bé đã trở thành học sinh cấp 3 nhưng số lần gặp mẹ chỉ vỏn vẹn trên đầu ngón tay.

Bà Điều Thị Liên (55 tuổi, bà ngoại của Thương) cho biết: “Mẹ Thương là con gái thứ 2 trong nhà. Hồi đó con tôi đi làm xa, tự nhiên một ngày bồng đứa cháu về cho tôi nuôi, cũng không nói cha nó là ai. Cháu Thương chưa biết bò, biết ngồi thì mẹ đã bỏ đi làm xa, từ đó tới nay ít về thăm con. Tôi cũng không biết con gái đi đâu, làm gì”.

Thương cháu từ nhỏ thiếu vắng tình thương của cha mẹ, ông bà ngoại Thương cố gắng bù đắp để cháu khỏi tủi thân. Hai ông bà chia nhau kiếm tiền nuôi cháu, ông đi làm thuê, còn bà đẩy xe bán chuối dạo. Do không có đất đai nên vợ chồng ông bà phải thuê nhà trọ sinh sống, bán buôn và tiện cho Thương đi học.

Năm 2017, ông của Thương qua đời, gánh nặng đè lên vai bà ngoại. Nhưng biến cố một lần nữa ập đến khi Thương bất ngờ phát bệnh. Đó là vào tháng 2/2022, cơ thể của Thương đột nhiên bị sưng phù không biết nguyên nhân. Hôm đó em đi học về thì than mệt, khó thở, nằm ngủ tại nhà li bì cả ngày, gọi không thức.

Bà ngoại đi bán chuối dạo về thấy cháu có biểu hiện lạ nên đưa đi bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi, suy hô hấp, bệnh thận... Em được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Qua các lần xét nghiệm bác sĩ chẩn đoán Thương bị bệnh Lupus ban đỏ tổn thương thận cấp độ 4, kèm theo bị viêm phổi và một số bệnh khác phải truyền thuốc định kỳ hàng tháng.

Theo lời bà Liên, căn bệnh Thương mắc phải là bệnh hiếm, không có thuốc đặc trị mà phải điều trị lâu dài, cũng không biết khi nào mới hết. Ngoài uống thuốc hằng ngày, mỗi tháng Thương phải truyền thuốc 3 ngày. “Tháng nào hai bà cháu cũng phải lên bệnh viện xét nghiệm, siêu âm bụng, nội soi phổi. Mỗi lần đi tốn không dưới 5 triệu đồng, tiền thuốc men hằng tháng cũng thêm 4 - 5 triệu đồng”, bà Liên rầu rĩ bộc bạch.

Vượt qua nghịch cảnh

Từ nhỏ không sống chung với cha mẹ nên Thương chỉ có duy nhất ông bà là người luôn yêu thương và ở bên cạnh chăm sóc lo lắng cho em. Vì thế, Thương luôn cố gắng học thật tốt cho ông bà vui lòng.

Dù bệnh tật giày vò nhưng bằng sự hiếu học và nghị lực bền bỉ, Thương vẫn cố gắng ôn thi và trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Vị Thanh với số điểm khá cao. “Vì không đủ tiền đi luyện thi nên em chỉ tự ôn tập và tham quan các buổi ôn thi do trường tổ chức. So với các bạn trong lớp thì điểm em đạt được không cao lắm nhưng em vẫn thấy may mắn vì mình đã thi đậu vào trường chuyên”, cô học trò nhỏ chia sẻ.

Từ lúc phát bệnh Thương phải thường xuyên tạm hoãn việc học để cùng bà lên Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị. Sợ không theo kịp bạn bè, em học ngay cả những lúc đi tái khám, về thì mượn tập bạn chép bài, chỗ nào chưa hiểu em tìm bạn và thầy cô nhờ giải thích thêm.

Chia sẻ về ước mơ hiện tại, giọt nước mắt em lăn dài trên gò má. Với em nỗi đau bệnh tật bây giờ không là gì so với tình thương yêu dành cho bà. Với Thương, hiện ước mơ duy nhất của em là có thể vượt qua căn bệnh quái ác, để có thể thay bà ngoại gánh vác nốt cuộc đời, được phụng dưỡng bà lúc tuổi xế chiều. “Em biết bệnh tình của mình không lường trước nên em luôn cố gắng sống tốt từng ngày, không để bà ngoại buồn lo”, cô nữ sinh lớp 10 nói.

Cũng theo Thương, từ lúc bị bệnh em may mắn được người thân, phía nhà trường và một số nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ nên em mới được điều trị kịp thời. Căn bệnh quái ác trị mãi không dứt khiến các chức năng trong cơ thể xuống theo, mấy ngày nay em bị đau đầu không thể ngủ.

Cô Trần Thị Thanh Điểm, giáo viên chủ nhiệm lớp 10 chuyên Địa, cho biết, Thương chăm ngoan và rất ham học, hầu như chỉ lúc đi tái khám em mới nghỉ học. “Lúc biết Thương bị bệnh tôi và các học sinh trong lớp đóng góp và giúp đỡ cho em được hơn 2 triệu đồng. Sau đó, nhà trường tiếp tục kêu gọi nên có thêm mạnh thường quân hỗ trợ cho em có tiền chữa bệnh”, cô Điểm chia sẻ.

Bài liên quan
Người không chân "chắp cánh" cho hoàn cảnh bất hạnh
Dù mất 2 chân nhưng anh Lê Văn Thạch vẫn thành công với mô hình làm chổi đót, tạo công ăn, việc làm cho người khuyết tật.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị lực phi thường của nữ sinh mồ côi 'lắm nỗi đau, nhiều bất hạnh'