Ngôi trường xanh giáo dục lối sống xanh

Hà Thuận | 14/09/2022, 08:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Điểm trường Mầm non Ngải Phóng Chồ được xây dựng từ rác thải nhựa tái chế mang thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường.

Ngôi trường đầu tiên xây dựng bằng rác thải nhựa

Cao Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường Khương (Lào Cai). Toàn xã có trên 90% dân số là đồng bào Mông sinh sống. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Trước đây, điểm trường Ngải Phóng Chồ tọa lạc ở giữa trung tâm thôn. Điểm này có 3 lớp học với 69 cháu từ 2 - 5 tuổi. Do quỹ đất chật hẹp, cùng việc ngôi trường được xây dựng đã lâu nên các phòng học đều xuống cấp, bao năm cả cô và trò rất vất vả mỗi khi “trái nắng, trở trời”.

Cô Ly Vần Diệp, giáo viên tại điểm trường Ngải Phóng Chồ chia sẻ: “Cứ mưa xuống là dột nên cô trò rất vất vả trong dạy và học. Cùng với đó, điểm trường chỉ có khoảng 400 mét vuông nên không có sân chơi cho trẻ”.

Với kỳ vọng chung tay với giáo dục vùng cao, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại Intraco nảy ra ý tưởng xây tặng trẻ ngôi trường mới. Tiêu chí xây dựng là an toàn, thân thiện với môi trường, đồng thời là một điểm nhấn trong chuỗi sản phẩm của du lịch địa phương. Qua đó, công ty đã lựa chọn và đồng chủ dự án đầu tư điểm trường Ngải Phóng Chồ, thuộc Trường Mầm non xã Cao Sơn.

Khi biết chủ trương xây dựng điểm trường mới, người dân rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Nhiều gia đình nhất trí hiến đất bởi họ hiểu đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, đem lại môi trường học tập an toàn và tốt nhất cho con em của mình.

Ông Sùng Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn, huyện Mường Khương chia sẻ: “Khi có chủ trương xây dựng nhà trường, chúng tôi đã cùng nhà đầu tư và giáo viên trong trường đi tìm địa điểm trong thôn. Đồng thời vận động người dân hiến đất”.

Mảnh đất của gia đình ông Thào Hồ, thôn Ngải Phóng Chồ nằm cách điểm trường cũ khoảng 400m, là địa điểm thuận lợi để xây dựng điểm trường mới. Ông Thào Hồ kể: “Biết tin thôn sẽ xây trường mới và được chính quyền vận động hiến đất, tôi đã đồng ý. Mình góp đất để xây trường cho con, cháu mình học, sau này còn thành tài”.

Theo Chủ tịch UBND xã Cao Sơn, điểm trường mới có diện tích hơn 1.000 m2 với 3 lớp học, 1 bếp ăn và 2 phòng chức năng, đảm bảo nhu cầu dạy và học cho khoảng 100 trẻ mẫu giáo. Điểm nhấn nổi bật của điểm trường Mầm non Ngải Phóng Chồ là được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu tái chế, tương đương với 115 tấn rác thải nhựa.

Điểm trường mang đậm dấu ấn vùng cao với những khối nhà lên, xuống trùng điệp. Các mảng sân in dấu ruộng bậc thang men theo sườn núi, hình tán cây sa mộc cách điệu bằng gạch mềm. Khu sân chơi và hàng rào bao quanh sặc sỡ được lấy cảm hứng từ sắc màu thổ cẩm của đồng bào Mông.

Cô Sền Thị Nhinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Sơn, huyện Mường Khương cho biết: “Được khởi công từ ngày 1/6, công trình hoàn thành vào dịp Tết Trung thu đã đem đến cho cô trò nhà trường nhiều niềm vui, phấn khởi”.

Ngôi trường xanh giáo dục lối sống xanh ảnh 1
Điểm trường Ngải Phóng Chồ là ngôi trường bằng nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam.

Lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường

Tại tỉnh Lào Cai, phong trào phòng chống rác thải nhựa được nhân rộng và lan tỏa. Nhiều chương trình như “Đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập”, “Thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” được tổ chức gắn với các thông điệp về bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, các buổi tuyên truyền, ngoại khóa, vẽ tranh về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa và đồ nhựa sử dụng một lần cũng được tổ chức rộng khắp trong trường học. Qua mỗi phong trào, cuộc thi, học sinh có thêm kiến thức về mối nguy hại của rác thải nhựa, cách phân loại và xử lý ngay tại trường học, gia đình. Nhờ đó, từng bước nói không với việc sử dụng các sản phẩm nhựa và đồ nhựa một lần.

Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Khương, ngôi trường bằng rác thải tái chế đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng tại Ngải Phóng Chồ không chỉ tạo cơ sở vật chất cho điểm trường mà còn mang thông điệp ý nghĩa về phòng chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

“Những năm qua, ngành GD-ĐT huyện Mường Khương luôn chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh phong trào phòng chống rác thải nhựa, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa. Qua đó, học sinh nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa và hướng đến thay đổi thói quen, hành vi sử dụng trong nhà trường và cộng đồng” – ông Nguyễn Văn Vinh cho hay.

Cũng theo ông Vinh, học sinh, sinh viên là lực lượng có tác động tích cực đến toàn xã hội. Sau khi được giáo viên tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa, các em sẽ là những tuyên truyền viên để lan tỏa các thông điệp bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi cũng xác định quá trình tuyên truyền phải lâu dài. Đối tượng dễ cảm nhận, chấp hành nhất chính là học sinh, sinh viên, do đó tiến hành giáo dục ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các em sẽ tiếp cận những hành vi tốt, sau đó nắm, hiểu cũng như duy trì thành thói quen” – ông Vinh cho biết thêm.

Tại Trường Mầm non Cao Sơn, giáo viên, học sinh thường xuyên được tuyên truyền việc giảm thiểu và hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa, túi nilon. Chia sẻ thông tin, cô Sền Thị Nhinh đồng thời nói, nhà trường tiến hành thu gom rác thải nhựa để đóng góp vào công trình thanh niên ở xã.

Để lan tỏa lối sống xanh, từ đồ dùng, chai, lọ bằng nhựa, cô Ly Vần Diệp và đồng nghiệp đã khéo léo để hướng dẫn học sinh chế tác thành nhiều vật dụng hàng ngày như: Lọ hoa, chậu cây cảnh, hộp đựng bút… Qua đó, trò có thêm đồ để sử dụng lại giảm thiểu được lượng rác thải nhựa thải ra môi trường.

“Ngôi trường không chỉ tạo hứng thú trong học tập mà còn giúp các em tiếp cận với ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường từ việc tái chế rác thải nhựa. Được sản xuất với kỹ thuật hiện đại, rác thải nhựa sẽ trở thành vật liệu xây dựng đạt chuẩn về độ bền, an toàn” – ông Nguyễn Văn Vinh trao đổi.

Bài liên quan
Sử dụng rác thải nhựa để loại bỏ khí CO2
Hai vấn đề môi trường lớn nhất là hàng tấn rác thải nhựa không sử dụng được và hàng tấn khí carbon dioxide (CO2) được thải vào khí quyển.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngôi trường xanh giáo dục lối sống xanh