“Người mẹ hiền” của học sinh dân tộc ở Tuyên Quang

N. Hoàng | 20/11/2021, 14:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tuyện Quang, cô giáo Nguyễn Thị Minh Huệ là “người mẹ hiền” để chia sẻ, nuôi dưỡng ước mơ con chữ.

Lo cho học sinh từng miếng ăn giấc ngủ

Khi học sinh nội trú đã chìm vào giấc ngủ, cô giáo Nguyễn Thị Minh Huệ (dạy môn Ngữ văn) vẫn cùng với tổ an ninh của trường tuần quan các dãy nhà ở.

Với đặc thù giáo dục con em các dân tộc, thầy cô giáo luôn coi “trường là nhà”, không chỉ dạy trên lớp, buổi đêm các thầy cô còn phải hướng dẫn các em ôn bài, thực hiện tốt nội quy sinh hoạt môi trường ký túc.

co-giao-nguyen-thi-minh-hue-2.jpg
Cô Huệ đã chăm lo, chỉ bảo học sinh nội trú theo tinh thần như một người mẹ.

Dạy môn Ngữ văn, môn học mà đa phần các em học sinh trường nội trú lựa chọn để thi vào đại học, thi tốt nghiệp nên trách nhiệm càng nặng nề đối với cô Huệ.

Để tạo sự sôi nổi, hấp dẫn trong mỗi tiết giảng, không chỉ là “cô giảng trò nghe” mà là sự trao đổi qua lại, giúp khơi dậy trong học sinh những ý tưởng mới, các phân tích, liên hệ từ thực tế cuộc sống.

Cô Huệ không chỉ dạy chữ mà còn như người mẹ tâm sự động viên, các em vượt qua khó khăn cuộc sống. Những em khó khăn, cô Huệ nhận đỡ đầu và mua đồ dùng học tập để các em bớt phần thiếu thốn.

Cô Huệ kể, có học sinh những ngày đầu xuống trường vì nhớ nhà khóc rưng rức. Lúc đó mình phải nhẹ nhàng an ủi, động viên. Các em ban đầu có tính nhút nhát nhưng chứa đựng sự cần cù, chịu khó nếu chúng ta biết khuyến khích, động viên kịp thời.

co-giao-nguyen-thi-minh-hue-1.jpg
Nhiều em học sinh của trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tuyện Quang đạt thành tích cao.

Lại có những em, khi xuống trường học tập mà bị bố mẹ gọi điện giục con về làm nương, không đi học nữa… Những lúc ấy, cô Huệ phải gọi điện cho phụ huynh để vận động, tuyên truyền và động viên học sinh giữ vững tinh thần tiếp tục học tập.

Nhờ vậy, nhiều học sinh dân tộc nội trú được tiếp tục theo đuổi tri thức, nhiều em thành đạt. Em Phạm Thị Huệ - Thủ khoa trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tâm sự rằng, cô Huệ giống như người mẹ thứ 2. Những lời cô và các thầy cô trường nội trú dạy luôn thôi thúc chúng em phải nỗ lực để không phụ công cha mẹ và nhà trường mong ngóng.

Ngày 20/11 không hoa

Hơn 20 năm công tác trong ngành Giáo dục, từng dạy học ở trường THPT Tháng 10 (Yên Sơn), rồi chuyển về dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Cô Huệ nhận thấy môi trường giáo dục cho con em dân tộc có những đặc thù riêng.

co-giao-nguyen-thi-minh-hue-3(1).jpg
Cô Huệ và các giáo viên trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tuyện Quang luôn coi sự tiến bộ của học sinh là món quà ý nghĩa nhất.

Cô và các giáo viên trường nội trú đã quen với chuyện ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) không hoa. Nhiều lúc về nhà, hàng xóm hỏi sao chẳng bao giờ thấy có học sinh hay phụ huynh đến nhà tặng hoa?.

Cô Huệ chỉ mỉm cười vì tình cảm của học trò, những lời chúc mừng hay sự tiến bộ mới là “món quà” có giá trị nhất.

Cô Huệ đã giúp đỡ, hướng dẫn nhiều học sinh vươn lên đạt được kết quả học tập tốt. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, lớp 12D do cô Huệ làm chủ nhiệm có 100% các em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Trong đó có những học sinh đỗ thủ khoa Trường Đại học Tân Trào, Học viện Tòa án…

Là Tổ trưởng tổ chuyên môn của nhà trường, cô Huệ đã có nhiều sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng dạy học các môn xã hội tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang.

Trong quá trình công tác, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen.

Cô Huệ cho biết, đó chính là sự động viên rất lớn để trong thời gian tới cô tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để góp phần vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”, đặc biệt là giáo dục con em các dân tộc thiểu số tại mái trường Phổ thông Dân tộc nội trú thân yêu.

Bài liên quan
Cô giáo Lịch sử 34 tuổi nghỉ dạy, thi lại đại học thành thủ khoa hội họa
Đang là giáo viên, trình độ Thạc sĩ Sư phạm, cô Trần Thị Hội trăn trở rất nhiều trước khi quyết định nghỉ dạy. Cô trở lại làm sinh viên, theo đuổi niềm đam mê hội họa đã gác lại vào năm 18 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Người mẹ hiền” của học sinh dân tộc ở Tuyên Quang