Ngửa bụng phơi sách
Khi làm quan trong triều, do nói năng không kiêng giữ nên mấy lần Nguyễn Đăng Cảo bị biếm chức. Tuy nhiên, vì tài năng ứng đối hơn người lại thông minh tột bậc nên mỗi lần có cơ sự khó xử, vua Lê đều phải vời ông ra giúp.
Có lần sứ Trung Hoa sang sách phong, đến trạm Xương Giang thì dừng lại và đưa cho Thế tử một vuông gấm, trên vuông gấm ấy có ba vạch ngang. Triều đình không ai đoán được, phải ban đặc chỉ để tuyên triệu ông vào hỏi. Ông thưa rằng: Việc đánh đố nhỏ nhặt như thế này, nào có đáng gì mà khiến chúa thượng phải bận tâm.
Nói rồi, ông cầm bút chấm mực, viết một nét sổ để trả lời. Sứ Trung Hoa liền theo người dẫn đường đến ngay. Chúa hỏi vì sao lại như thế, ông nói: Ba nét ngang là tượng của quẻ càn, chỉ Hoàng Đế. Có ba nét ngang rồi, nay chỉ cần thêm một nét sổ nữa là thành chữ Vương nghĩa là vua.
Một lần Nguyễn Đăng Cảo nhận mệnh nhà vua mang lễ vật lên biên giới gặp sứ nhà Thanh để tìm cách sao cho quân Thanh không kéo về Thăng Long. Đến Lạng Sơn, sứ thần nhà Thanh ra câu đối rằng: “Điểu nhập phong, thực tận trùng nhi hoá phượng” (nghĩa là chim vào gió ăn sâu mà hoá phượng).
Chữ “phượng” do chữ “điểu” viết trong lòng chữ “phong” mà thành. Đăng Cảo liền đối rằng: “Nhân cư nham, đả thi thạch chĩ thành tiên” - nghĩa là: Người ở cạnh núi, đẽo đá để thành tiên. Chữ “nhân” đứng bên cạnh chữ “nham”, bỏ chữ “thạch” thành chữ “tiên”.
Đến cửa ải, sau một tuần mưa dầm, bỗng nhiên trời hửng nắng, sứ nhà Thanh mang sách ra phơi, Nguyễn Đăng Cảo cũng kê gối trải chiếu rồi nằm phơi bụng mình ra. Sứ Tàu ngạc nhiên lắm, hỏi sao ông làm như vậy?.
Nguyễn Đăng Cảo trả lời: Sứ thần thượng quốc phơi sách, tôi phơi bụng (ý nói có sách ở trong bụng). Sứ Tàu thán phục, nhưng vẫn thử tài thêm, nói rằng: Sách “Đại học” bản chính bị đốt mất rồi, phiền ngài viết lại cho thì tốt quá?
Đăng Cảo nhận lời và ngồi viết ngay lại từ chính vận đến chú giải lớn, nhỏ y như bản gốc. Sứ Tàu kinh ngạc nói rằng: Năm trước quan Thái tử tâu vua sao Vân Khúc giáp ở An Nam, nay quả đúng như vậy.
Tiếng đồn đến nhà vua, vua Thanh liền cho vời ông tới bảo làm bài phú giải thích cho chư hầu về việc róc tóc. Đăng Cảo làm xong sớm liền trình lên vua Thanh. Xem xong vua Thanh phê rằng: Lời gọn, ý tận và sâu sắc, phong thêm cho Đăng Cảo làm Khôi nguyên Bắc triều… rồi liền ra lệnh bãi binh.
Tài năng đối đáp, văn chương sắc bén của ông đã làm cho sứ nhà Thanh phải kinh ngạc, nể phục. Từ đó, dân gian truyền tụng câu ca: “Làng Bịu có đấng Thám hoa/ Tiếng bay thượng quốc gần xa biết tài”.
Bỏ tu tiên vì thịt cầy
Khi Nguyễn Đăng Cảo về trí sĩ, ngày ngày đội nón chống gậy, vai mang bầu nước, ngao du khắp nơi. Lần nọ nhân đêm trăng sáng, ông lên núi Lan Kha thì chợt thấy một đạo sĩ đang ngủ trên sợi dây nhỏ, mắc giữa hai cái gậy.
Ông lấy làm lạ, đến quỳ gối để đợi. Chừng một trống canh, vị đạo sĩ ngồi dậy nói: Ông có phải là Thám hoa người làng Hoài Bão không?.
Ông cúi lạy, rồi nói xin bỏ hết việc đời để đi tu tiên. Đạo sĩ nói: Ông có số nhưng không có mệnh, chớ tự làm khổ mình.
Ông cố kêu nài, đạo sĩ hỏi: Tu tiên có 3 thứ phải ghét, 5 thứ phải kiêng. Trong các thứ phải kiêng, có món thịt cầy, ông kiêng được không?.
Ông nói là kiêng được, đạo sĩ lấy gậy và dây cuốn vào rồi giao cho ông vác đi. Ông đi mãi, qua không biết bao nhiêu núi sông phong cảnh khác thường, không giống với những nơi ông ngao du trước đó. Gần trưa, hai người đi qua một cái chợ, mùi thịt cầy trong các quán bay ra sực nức.
Ông thèm quá, xin đạo sĩ cho một bữa chót. Đạo sĩ bằng lòng. Ăn xong, ông đi ra, đạo sĩ nói: Ta chính là Trần Đồ Nam. Ông có số nhưng không có mệnh, đừng tự làm khổ mình nữa.
Nói rồi, đạo sĩ đưa ông một phương thuốc chữa bệnh cho trâu bò và vụt biến mất, không thấy đâu nữa. Ông lau mặt nhìn kỹ, thì ra đấy chính là chợ Cầu Lim ở làng Nội Duệ, cách núi Lan Kha chỉ chừng hơn một dặm.